Banner top

Banner cột chính

Sống đẹp lòng Chúa

Giải VVĐT 2018-Tình yêu không giới hạn

Mã số: 18-003

Trong xứ đạo này, nhắc tới tên Lan, con bác Phương có lẽ không ai không biết. Em vừa xinh xắn, dễ thương lại còn chăm chỉ, ngoan đạo. Ngày nào cũng vậy, sau bữa cơm tối, Lan theo nhịp chân các bạn trẻ trong giáo xứ tới nhà thờ dự lễ, đọc kinh, cầu nguyện. Hè đến em hăng say học giáo lí cùng chúng bạn. Siêng năng việc nhà Chúa nhưng em vẫn luôn là học sinh ưu tú của trường, học trò ngoan của các thầy cô giáo… Nhưng dạo này bỗng thấy Lan trầm lắng lạ. Có vẻ em gầy đi nhiều…

“Bố mẹ chẳng lễ lạy gì mà có đứa con ngoan đáo để nhỉ!”

“Đúng là con hơn cha nhà có phúc, bố mẹ thì đến một chữ kinh bẻ đôi cũng không biết.”

“Giá như con bé Lan nó bù cho bố mẹ nó một chút thì hay nhỉ!”

Rồi thì…

“Ôi dào, để đấy rồi xem, rồi lại lấy tấm chồng ngoại đạo thì có mà nối gót cha rồi nhé!”

Lại còn…

“Cha nào con nấy thôi cũng chả ngoan ngoãn gì đâu.”

Nếu chỉ là chuyện tầm phào, là dăm ba câu tán gẫu khi cùng nhau chở gạch để xây lại khuôn viên nhà thờ của các cô các bác trong giáo xứ thì cũng là chuyện thường nhưng xót xa một nỗi họ lại cố tình để Lan nghe thấy. Lan cũng hiểu vì sao họ nói vậy lắm chứ, nhưng giờ em biết phải làm sao khi từ lâu cha mẹ em đã yêu công việc, yêu danh vọng hơn Chúa rồi…

Chẳng mấy đã ngày rằm. Trăng đêm rằm tròn vành vạnh, lấp lánh màu vàng chanh tươi mát, ngọt ngào, lơ lửng giữa khoảng trời bao la. Gió nhè nhẹ thổi làm cây lá xào xạc, rì rào. Lan ngồi một mình ngoài ban-công ngắm trăng. Ánh trăng sáng chiếu tỏa, gội mát tâm hồn em làm dịu đi trong trái tim em những muộn phiền, lo lắng. Đã có quá nhiều chuyện xảy đến. Mọi thứ dường như đã quá sức chịu đựng của một cô học sinh mới lớn. Bao năm Lan siêng năng đi lễ, siêng năng đọc kinh, cầu nguyện cùng Chúa và Mẹ mong sao những ước nguyện của em trở thành hiện thực. Ước nguyện của em chân thành lắm. Bởi đó đâu phải là những ước muốn cao siêu, viễn vông mà đơn giản chỉ là mong ước gia đình em biết yêu thương nhau trong ơn nghĩa Chúa, bố mẹ em trở nên bậc cha mẹ mẫu mực trong đời sống đạo. Nhưng đến giờ phút này mọi thứ vẫn chẳng thay đổi. Bố mẹ em chỉ xoay vần trong vòng xoáy công việc chẳng màng đến kinh sách, lễ lạy. Những lần Lan mạnh dạn bày tỏ điều ước bé nhỏ của mình thì lại gặp phải cơn thịnh nộ của bố: “Suốt ngày lễ với chả đọc kinh, đọc kinh đi lễ thôi có kiếm ra cơm cho nhà này ăn không, có làm ra tiền cho mày đi học không?”. Bố em nói vậy nhưng đâu biết rằng những lời nói ấy đã làm tổn thương tâm hồn ngây thơ của em. Em buồn lắm. Em chỉ biết cầu xin Chúa, xin Ngài luôn ở bên nâng đỡ che chở cho gia đình em, ban ơn cho bố mẹ em được lòng ăn năn trở lại và luôn là gương sáng cho em trong đời sống đạo thiêng liêng. Và thế, Lan cứ nhìn mãi lên bầu trời xa xăm. Ở nơi xa ấy, em đang cố gắng tìm kiếm một bóng hình quen thuộc, bóng hình mà em luôn mơ ước được gặp gỡ, bóng hình mà dù không hiện hữu vẫn luôn quan tâm lo lắng cho em. Có lẽ giờ này nơi ấy Chúa cũng đang nhìn về phía em, cũng đang dang rộng vòng tay bao bọc lấy, xoa dịu lấy tâm hồn bé nhỏ thơ dại của em. Hai hàng nước mắt không hẹn mà cùng nhau lăn dài trên gương mặt thanh tú của cô bé học sinh lớp 11. Nếu như phép màu là có thật thì có lẽ giờ này Lan đang ước Chúa đến mang những nỗi buồn của em bay xa bay xa mãi.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa khiến con người ta cảm thấy choáng ngợp, nhỏ bé. Mới hôm nào Lan bước vào năm học mới với lòng hân hoan, vui mừng, với bao niềm hy vọng, sự hứa hẹn về một năm học gặt hái nhiều thành công, vậy mà hôm qua đã là ngày tổng kết trường. Hôm nay, Lan về quê nghỉ hè với ông bà nội, về với mảnh đất chôn giấu bao kỉ niệm tuổi thơ ngọt ngào của em, mảnh đất bình yên, hiền hoà nằm êm đềm bên dòng sông La. Vừa về đến cổng Lan đã cất tiếng gọi thật to:

- Ông bà ơi… Ông bà ơi… Bé Lan của ông bà về rồi đây… Ông bà ơi…

Nghe tiếng Lan, từ trong căn nhà mái ngói đỏ son, ông bà Lâm chạy ùa ra ôm chầm lấy đứa cháu gái bé bỏng cho thỏa bao ngày tháng nhớ mong. Bà Lâm giữ chặt Lan trong vòng tay gầy guộc của mình, hít hà hương thơm trên mái tóc của em như cách bà thường làm khi em còn nhỏ. Ông Lâm đứng cạnh, nhìn hai bà cháu âu yếm, trìu mến. Ngay lúc này đây, bao nét khắc khổ, sự vất vả, cực nhọc vì những năm tháng mưu sinh in hằn lên thành những nếp nhăn, những vết chân chim sâu hoắm trên khuôn mặt ông Lâm bị che lấp đi và thay vào đó là nụ cười thật tươi tựa nắng ấm. Ngày xưa, vì ông bà nghèo nên bố mẹ Lan phải theo chân họ hàng ra nước ngoài khởi nghiệp. Bởi vậy, tuổi thơ của em là những năm tháng yên bình, ngọt ngào trong vòng tay che chở, yêu thương của ông bà nội. Dù cuộc sống có thiếu thốn, có vất vả, bữa no bữa đói nhưng trái tim em, tâm hồn em luôn được ủ ấp trong tiếng ru của bà, trong từng câu chuyện cổ tích, truyện dân gian mà ông nội kể những trưa hè oi bức. Dưới mái ngói đỏ tươi của căn nhà ấm ấp, những câu chuyện ấy như vừa mới hôm qua thôi mà nay Lan đã sắp là học sinh cuối cấp chuẩn bị bước sang những ngưỡng cửa quan trọng của cuộc đời.

Nắng lên chan hòa khắp nơi nhảy múa tưng bừng trên mái nhà đỏ thắm. Ánh nắng hòa tấu cho bản giao hưởng chào buổi sớm của đàn chim ca, đậu trên đôi vai gầy xương xương của bà Lâm, tỏa rạng ngời trên gương mắt phúc hậu của ông Lâm và chan hòa trong từng trái tim của gia đình nhỏ. Lan theo ông bà vào nhà. Em cúi lạy trước bàn thờ Chúa, thắp nén nhang lên bàn thờ tổ tiên, cảm tạ về chuyến đi dài bình an. Bà Lâm đã chuẩn bị một nồi chè to để đón Lan về. Món chè đỗ đen của bà là món quà mà Lan nhớ lắm khi sống ở thành phố phồn hoa, tấp nập. Ngồi bên ông bà quanh nồi chè còn nghi ngút khói, Lan hồi tưởng lại không khí gia đình đầm ấm khi xưa.

- Lúc bé, con phải ăn liền được ba bốn bát chè ông bà nhỉ, chè của bà nấu là ngon nhất ông nhỉ! - Cái đầu Lan lắc lư tinh nghịch.

- Chà chà, giờ bà già lắm rồi, nấu chè cũng chả ngon nữa rồi, không biết Lan của bà còn thích món chè này không nữa?- Bà Lâm vừa nói vừa xoa đầu đứa cháu gái bé nhỏ

- Hì hì, bà của con đẹp lắm nên con mới xinh xắn đáng yêu vậy nè. Bà nội có già đi thì vẫn mãi là người phụ nữ đẹp nhất trong lòng con.

- Cha tiên sư bố cô, chỉ giỏi nịnh thôi. Mau ăn chè đi kẻo nguội mất lại chẳng ngon đâu con.

Bà Lâm suốt bao năm vẫn vậy. Sự dịu dàng, trìu mến đã ăn sâu vào trái tim bà, chẳng thay đổi. Có chăng sự đổi khác là tuổi tác hay thời gian khiến bà ngày một già yếu đi nhưng tình thương bà dành cho con cháu chưa bao giờ vơi mà tình yêu ấy như nặng sâu thêm theo thời gian, theo năm tháng. Rồi như nhớ ra vấn đề gì, bà Lâm hỏi Lan:

- Lan này con, ở trên đấy học hành bận bịu vậy con vẫn thường xuyên đi lễ chứ?

- Dạ, vâng, con vẫn chăm đi lễ mà. Đến bên Chúa con thấy bình yên lắm bà ạ!

- Vậy còn bố mẹ con thì sao, hai đứa nó vẫn đi lễ chứ?

- Bố mẹ con…bố mẹ con thì…

Lan đưa ánh mắt nhìn xa xăm. Cổ họng em nghẹn đắng chẳng nói lên lời. Em vốn định giấu chuyện này nhưng…

- Bố mẹ con… không đi lễ… Bố mẹ đi làm cả ngày lẫn đêm. Ngày nào được nghỉ bố lại bận đi tiếp khách hàng, đi mời chào khách, mẹ con cũng không tới nhà thờ dù có được nghỉ. Mỗi lần con nhắc bố lại giận. Các cô các bác trong giáo xứ bàn tán về gia đình con nhiều lắm…

- Vậy là…bao năm nay… Khụ! Khụ!... Bao năm nay… Khụ! Khụ!... Chúng nó bỏ…?- Ông Lâm nói chẳng thành tiếng.

Vịn tay vào ghế ông khó nhọc đứng dậy. Rồi trước mắt hai con người mà mình thương yêu ông Lâm loạng choạng ngã xuống. Khuôn mặt ông tái nhợt. Môi ông thâm tím lại. Tay ông giữ chặt lồng ngực đầy đau đớn. Miệng ông lắp bắp như muốn nói điều gì. Rồi ông từ từ lịm đi. Lan gọi ông trong kinh hoàng:

- Ông ơi… Ông nội ơi… Ông nội tỉnh lại đi…

Lan chạy vội sang nhà bác Kiên hàng xóm để nhờ bác giúp đỡ:

- Bác ơi, bác đỡ ông nội con với, ông nội con ngất đi rồi…- Lan nói trong nước mắt.

Hai bác cháu chạy vội về nhà. Bác Kiên gọi xe cấp cứu cho ông Lâm. Lan cùng bà chạy sau chiếc xe cho tới khi cánh cửa phòng cấp cứu đóng sập lại vô tình trước con mắt thẫn thờ của hai bà cháu. Vậy là niềm vui đón đứa cháu gái yêu dấu trở về chưa tròn thì giờ ông Lâm lại phải nằm trong phòng cấp cứu. Bà Lâm bước đi, ánh mắt vô hồn. Tay bà vịn chặt vào tường. Bà lê từng bước chân cách khó nhọc. Lan đỡ bà ngồi xuống ghế. Mắt em cũng đã sưng húp lên. Em đấm mạnh vào ngực mình tự trách:

- Tại con, tất cả là tại con… Nếu con không kể chuyện bố mẹ thì ông đã không ngất đi, là lỗi do con, do bố mẹ con. Ông nội kì vọng vào gia đình con vậy mà…

Bà Lâm giữ chặt tay Lan, không cho em tự làm tổn thương chính mình. Rồi bà kéo Lan vào lòng, thủ thỉ bằng chất giọng trầm ấm thân quen:

- Con à, ông con bị bệnh tim lâu rồi. Bác sĩ bảo tránh không được để ông lo lắng quá nhưng biết chuyện bố mẹ con như vậy thì làm sao ông ấy không đau lòng cho được. Khổ thân ông quá con ơi…

- Ông bị bệnh tim? Sao ông bà giấu con?- Lan nức nở

- Con à, ông bà không muốn con và bố mẹ con lo lắng. Con còn phải đi học, bố mẹ con còn đi làm nên ông bà không dám bảo. Ông con bị bệnh nên ngày càng đau yếu. Ông bà nhớ thương con, mong con về nhưng điện lên trên đó thì không có người nhấc máy. Ông bà chỉ có thể gặp gia đình con trong lời cầu nguyện mà thôi. Ông bà cũng chỉ biết xin Chúa cho gia đình con mạnh khỏe, bình an.

Đưa mắt về phía phòng cấp cứu với ánh nhìn đầy hy vọng về sự tỉnh lại của ông Lâm, lặng một lát bà Lâm tiếp lời:

- Ông bà mong dù cuộc sống xô bồ tấp nập các con của ông bà vẫn giữ trọn bổn phận là một nghĩa tử của Chúa. Vậy mà cái thằng trời đánh ấy lại bị hoa mắt trước tiền bạc danh vọng mà quên mất việc lễ lạy… Thỉnh thoảng cũng có người từ trên đó về nói chuyện mà ông bà nào nào có tin. Ông ấy nhất định tin tưởng thằng con trai quý báu của mình, dù cho người làng có nói ra nói vào thế nào đi chăng nữa. Vậy mà tất cả đều là thật…

Bà Lâm như chẳng còn chút sức lực nào đưa tay lau những giọt nước mắt đã lăn dài trên má.

- Ông nội con có làm sao thì bà phải sống thế nào đây con ơi? - Bà Lâm nói trong nước mắt.

Lan vòng tay ôm lấy thân hình gầy guộc, nhỏ bé của bà. Em muốn dùng hơi ấm trái tim mình sưởi ấm cho cõi lòng đang đau đớn, rỉ máu của bà. Thương bà bao nhiêu em lại trách mình, trách bố mẹ mình bấy nhiêu. Nếu em về thăm ông bà thường xuyên hơn thì đâu đến nỗi em không biết ông nội đang gồng mình ngày tháng chống lại căn bệnh tim quái ác, cũng đâu đến nỗi ông bà em phải sống những ngày tháng cuối đời trong cô đơn hiu quạnh. Nếu em không kể chuyện ngoài thành phố thì giờ đây ông em cũng không phải nằm viện. Nếu bố mẹ em không chạy theo vật chất, tiền bạc, không vì có chút tiền sau chuyến đi làm ăn nơi xứ người rồi đòi rời quê ra thành phố sinh sống, thì có lẽ giờ đây gia đình em đã cùng với ông bà sống trong hạnh phúc, an hòa. Cuộc sống giản đơn như vậy thôi mà sao xa xỉ với gia đình em quá. Đồng tiền có sức mạnh chi mà sao khiến gia đình em chia ly, đau buồn. Đồng tiền có ma lực gì mà khiến bố mẹ em dám vứt bỏ hạnh phúc gia đình, dám hy sinh chữ hiếu, chữ đạo để chạy theo. Nhớ lại lời Chúa dạy: “Đừng làm tôi hai chủ”, Lan càng hiểu được bố mẹ em đã sống tội lỗi thế nào. Nhưng… mẹ là người đã mang nặng chín tháng mười ngày chịu bao đau đớn, khổ sở để sinh thành nên em. Bố là người đã một nắng hai sương, chịu bao áp lực, tủi nhục, cực nhọc, hy sinh cả tuổi thanh xuân để kiếm đồng tiền bát gạo nuôi em và gia đình. Lan biết dù cho những việc mà họ đang làm là vì gia đình này hay, những việc ấy khiến em biết ơn, nhưng con đường mà họ đang đi không làm đẹp lòng Chúa thì mọi thứ đều trở nên vô nghĩa, hư không trước mặt Ngài. Giờ này, chính con đường ấy khiến người ông em yêu quý đứng trong ranh giới giữa sự sống và cái chết thì họ vẫn thật đáng trách.

Chợt, cánh cửa phòng cấp cứu khẽ mở. Lan đỡ bà chạy lại bên bác sĩ. Bà Lâm lắp bắp:

- Bác sĩ ơi, ông nhà tôi có… có làm sao không? Ông nhà tôi đã tỉnh chưa? Ông nhà tôi sẽ khỏe phải không?

Bác sĩ thinh lặng đợi bà Lâm nói hết câu rồi bình tĩnh trả lời:

- Tạm thời ông nhà đã qua cơn nguy hiểm nhưng thời gian cho ông không còn nhiều, gia đình nên chuẩn bị tâm lý.

Nói xong bác sĩ bước đi, để lại đằng sau hai khuôn mặt thất thần, ánh mắt lo âu đầy sợ hãi. Bà Lâm ngã khuỵu xuống đất. Đôi chân bà như mềm nhũn ra không chút sức lực. Lan ngồi xuống ôm lấy bà để an ủi, để che chở và để tìm thấy chỗ dựa cho trái tim đang đau đớn, quặn thắt như muốn vỡ tung ra ngay lập tức của em. Lúc này trên hành lang dài hun hút, xám xịt, u ám của bệnh viện có hai bóng người đang ôm chầm lấy nhau để tìm kiếm hơi thở của sự sống.

* * *

Không khí ngột ngạt bao trùm lên bốn con người: bà Lâm, Lan và... anh Phương, chị Dung- bố mẹ Lan. Họ đã trở về khi người cha già sức tàn lực kiệt mong manh trên ranh giới giữa sự sống và cái chết. Anh Phương quỳ phục bên giường bệnh của bố. Đôi bàn tay đen sạm thô ráp của anh run run nắm lấy đôi bàn tay gầy guộc, yếu ớt của người cha già. Chẳng biết đã bao lâu rồi anh không nắm lấy đôi bàn tay này. Cảm giác sao mà thân thương, quen thuộc quá! Cảm giác ấy chầm chậm lướt đi trên từng mảng da thớ thịt của anh rồi tinh ranh len lỏi vào sưởi ấm trái tim đã nguội lạnh bao tháng năm của người đàn ông chai đá. Cuộc sống mưu sinh đã ăn mòn từng sợi dây cảm xúc, đã hút kiệt từng mạch máu yêu thương trong anh. Hay có chăng vì nghĩ cho con, cho gia đình theo cái cách của riêng mình mà anh Phương đã chôn chặt tận đáy sâu trái tim mình nguồn mạch của tình yêu, đã giấu nhẹm đi những lo âu, những băn khoăn, thao thức về một gia đình con Chúa hạnh phúc, an hòa. Phải chăng bố Lan đã quyểt định để cuộc sống tấp nập, xô bồ chèo lái con người anh mặc cho bản ngã đã nhiều lần dậy sóng. Bất chợt, anh Phương bật khóc như một đứa trẻ nhỏ:

- Bố ơi, con về rồi đây, con trai bố đã về rồi đây. Bố tỉnh lại nói chuyện với con đi, bố tỉnh lại mà mắng mà đánh thằng con bất hiếu của bố đi, bố ơi...

- Sao bố cứ nằm hoài vậy, sao bố cứ nhắm mắt vậy, bố dậy để con còn đấm lưng, còn pha trà cho bố uống chứ…

Chị Dung đứng đằng sau ôm chặt lấy đôi vai đang run lên bần bật của chồng. Cánh tay chị đưa lên lau những giọt nước mắt đang lăn dài trên má. Có thể vì nghe thấy tiếng con hay là vì Chúa cho ông thức dậy lần cuối để rồi ra đi mãi mãi mà bất giác ông Lâm tỉnh lại. Ông khó nhọc kéo đôi mi nặng của mình lên để nhìn ngắm các con. Ông thều thào:

- Về rồi à, con trai? Về là tốt rồi… tốt rồi… Con về chắc Chúa mừng lắm. Ngài cũng đang đợi ta ở trên kia, con à. Ngài muốn ta về với Ngài rồi. Ta đi rồi con nhớ phải giữ cho trọn đạo với Chúa và với tổ tiên để nơi xa kia ta được yên lòng. Chúa là Đấng giàu lòng nhân từ, Ngài sẽ tha hết mọi tội lỗi cho con nên đừng làm Ngài thất vọng thêm lần nữa.

Nói rồi ông Lâm từ từ nhắm mắt lại. Khuôn mặt ông rạng ngời hạnh phúc. Ông đã theo Chúa về thiên đàng hạnh phúc và bình yên. Nơi ấy là phần thưởng tuyệt vời mà Chúa ban cho ông. Ở nơi ấy ông sẽ không phải lo lắng, chờ đợi, cũng không phải thấy lời ra tiếng vào thêm lần nào nữa. Sự ra đi của ông thật bình an.

Lòng anh Phương tê dại. Anh đâu có ngờ lần này về cũng chính là lần cuối anh được gặp ông Lâm. Anh đâu có ngờ những quyết định sai lầm đã bắt anh phải trả giá đắt đến như thế này. Anh sẽ chẳng bao giờ có thể nhìn thấy nụ cười của bố, sẽ chẳng bao giờ được nghe bố nhắc nhở, âu yếm, sẽ chẳng bao giờ được bố dạy những lời kinh, những bài hát thánh ca ca tụng Chúa, và cũng chẳng bao giờ được cùng ông tới nhà thờ cầu nguyện nữa. Giờ đây anh có hối hận, có day dứt thì cũng chẳng thể làm ông Lâm sống lại, cũng chẳng thể làm thay đổi quãng thời gian suốt bao năm dài anh sống xa rời Chúa. Nhưng chính Chúa đã kéo anh lại, chính Chúa đã mang anh trở về, trở về là cậu Phương của ba mươi năm về trước, một cậu giúp lễ thông minh, chăm chỉ, ngày ngày áo trắng quần xanh theo cha tới nhà thờ. Bởi lẽ, Chúa của anh là Đấng chậm giận và giàu tình thương. Ngài luôn đợi anh quay trở về cho dù Ngài phải đợi một năm, hai năm, năm năm hay là lâu hơn nữa. Có lẽ giờ này Ngài đang mỉm cười hạnh phúc khi nhìn thấy những giọt nước mắt thống hối ăn năn của anh. Chính Ngài sẽ bù đắp những vết thương, những nỗi đau trong tâm hồn trong trái tim anh.Từ đây anh Phương sẽ cất vang mãi khúc ca: “Con nay trở về, trở về cùng Chúa ơi. Con nay trở về lòng sầu thống hối ăn năn…”, để tạ ơn Chúa đã luôn mở cửa trái tim chào đón anh- đứa con hoang đàng của Chúa trở về.

* * *

“Lan con ơi, mau dọn cơm dọn nước ra ăn để còn tới nhà thờ. Hôm nay Chầu Thánh Thể đấy, nhanh nhanh kẻo muộn…”

“…”

“Lạy Cha chúng con ở trên trời…”

Nhờ ơn Chúa mà căn nhà bà Lâm từ chỗ hiu quạnh, vắng lặng đã trở nên ấm áp với từng câu kinh Lạy Cha ngọt ngào, thân thương trong mỗi bữa cơm chiều. Từ đây Lan sẽ chẳng phải ngày ngày thui thủi đi lễ một mình, cũng sẽ chẳng phải nghe những tiếng bàn tán xôn xao, những lời ra tiếng vào, những ánh mắt soi mói, ghen tương trong dòng cuộc sống bon chen, tranh đua chốn phố thị phồn hoa, ồn ào. Sau ngày lao động vất vả, gia đình Lan quây quần bên mâm cơm đạm bạc rồi cùng nhau tay trong tay bước vào nhà Chúa dâng lên Ngài lời cảm tạ, tri ân. Cuộc sống phồn hoa, hào nhoáng, lạnh lẽo của gia đình Lan đã khép lại để nhường chỗ cho một mái ấm tràn ngập tiếng cười, niềm vui, tràn ngập tình Chúa tình người.

Thời gian trôi mau. Chẳng mấy đã tới ngày Lan bước vào đời tu trong tu hội Tận Hiến. Nhìn con gái mỉm cười rạng rỡ trong chiếc áo dòng lòng anh Phương dâng trào niềm hạnh phúc. Vậy là anh đã có thể đáp trả ân tình lớn lao mà Chúa dành cho anh và cũng đã hoàn thành được lời hứa với người cha quá cố. Anh sẽ mãi là bến đỗ bình yên, là hậu phương vững chắc tiếp sức mạnh cho nữ tu Mai Lan bay cao, bay xa trong tình thương, sự quan phòng của Chúa đến muôn đời.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét