Banner cột chính

Sống đẹp lòng Chúa

Giải VVĐT 2018 – Tất cả các dòng sông đều chảy

 

Mã số: 18-009

Tất cả các dòng sông đều chảy
(hay truyện kể về thầy Mười)

 

- Có chuyện gì mà mọi người xầm xì bàn tán, mặt ai cũng buồn thiu thế kia?

- Ông đi lâu vừa về không biết đấy thôi. Lần này thầy Mười nghỉ thật ông ạ!

- Nghỉ gì cơ?

- Nghỉ hết, cả dạy giáo lý lẫn văn hóa.

- Dào ôi, tưởng gì, các ông cứ làm quá. Thầy Mười nghỉ thì có thầy Mười Một, thầy Mười Hai thay. Làm như cái xứ này không có người ấy…

- Ông im ngay cái mồm! Ông là đồ ăn cháo đá bát, ăn nói hỗn xược. Thế không có thầy Mười, ông sao biết được cái mặt chữ mà phô-tô tài liệu, thằng con ông có soạn được mấy cái hợp đồng xây dựng béo bở để làm vương làm tướng bên Angola hay là cũng mù chữ như dân bên đó?

- Ông Bằng, ăn nói cho cẩn thận, tôi nện cho một trận giờ! Tôi ăn cháo đá bát hồi nào? Tôi nói đùa tí thôi. Ông không thấy mỗi lần đi Angola về, có khi tôi còn thăm thầy Mười trước bố vợ tôi ấy. Vấn đề là Cụ đã có tuổi rồi, lớp trẻ cũng phải kế thừa chứ, cứ bắt Cụ làm mãi không thấy xấu hổ à. Thế lần này là chắc chắn nghỉ rồi đấy, đã có ai kế tục sự nghiệp chưa mà Cụ nghỉ?

- Ông vớ vẩn vừa thôi, chuyện này đâu đùa được. Giờ mọi việc tạm thời phải tách làm hai, phần giáo lý đức tin cho bọn nhỏ ông Tuấn làm, phần giáo lý hôn nhân là bà Thu. Còn dạy kèm văn hóa thì phó cho nhà trường thôi. Có ai dạy văn hóa miễn phí bao giờ đâu…

- Ầy dà… Nhưng ông Tuấn, bà Thu tuổi cũng cận kề thầy Mười rồi, chả biết được mấy năm lại thay. Cụ có bao thế hệ học sinh giỏi, sao giờ không có “truyền nhân” thế này…

- Ôi dào, học sinh giỏi của “nhà giáo nhân dân” thì kể mấy ngày không hết. Có ba “học trò yêu” thì cậu Lê đã mất năm ngoái…

- Hả, sao cơ? Lê mất rồi à?

- Ừ, một tai nạn hy hữu. Tôi kể cho ông nghe sau…

- Lê là người gần gũi thầy nhất, chắc thầy buồn lắm…

- Không chỉ buồn thôi, thầy bị sốc, ốm gần hai tháng, già hẳn đi, ông về gặp thầy lần này chắc không khỏi ngỡ ngàng đâu. Mất đi “cánh tay nối dài” ai không đau, “người đầu bạc tiễn người đầu xanh” sao không xót. Từ lúc Lê mất tới giờ, việc vận chuyển sách vở, phô-tô tài liệu không có người giúp nên gặp nhiều khó khăn, phải thuê hết, nguồn kinh phí trông chờ vào quỹ khuyến học của Xứ, tờ giấy tập hát trước lễ cũng đã bỏ hẳn rồi. Ông xem đợt này về tài trợ cho Xứ cái máy phô-tô và ít mực nhé! Mà nói thế thôi, bảo ai vận hành, bảo dưỡng máy không công đây?

- Thế còn Thông, Tuệ?

- Thông, Tuệ đang ở Tây Âu, nghe nói học tiến sĩ, đường công danh sự nghiệp còn thênh thang lắm, đâu có “cáo quan về ở ẩn” được, đúng không? Còn ông thì đi Angola miết. Ông cũng biết hai chữ “hy sinh” phát âm thì dễ, viết cũng thoải mái, là “i ngắn” hay “y dài” đều được, nhưng thực hiện nó khó đến đâu…

- Ông đừng cạnh khóe tôi, ông ở nhà sao không kế nghiệp Cụ đi? Nói chứ cũng đáng lo thật, nhưng biết làm sao giờ. Thôi tôi về thẳng nhà Cụ, hỏi thăm xem sao.

Ông Việt chuyển hướng sang con đường lớn mới mở, về thăm người thầy cũ đáng kính của mình, người đã thay đổi cuộc đời ông, lòng không khỏi xúc động, những kỷ niệm về người thầy “có một không hai” lại ùa về.

***

Ở cái Xứ này người ta không có coi trọng cái chữ. Con trai cày cuốc, kéo xe bò chở cát sỏi, hàng hóa… Con gái hết ngày mùa làm bánh, bán rau ở chợ, mười nhăm mười bảy tuổi vớ được anh chồng có con bò, con trâu làm vốn là “xong”. Cái việc học giáo lý cũng đơn sơ như cách người ta đi đạo vậy, ê a học thuộc, tới ngày thi cũng khảo đọc luôn, chỉ cần trí nhớ tốt là “Ưu”, khỏi phải học chữ làm gì cho khổ. Nghĩ đến cảnh lặn lội sang bên kia sông để kiếm lấy con chữ đã ngán, mà cũng chẳng để làm gì. Chuyện tính toán làm ăn quá đơn giản, cứ cái bánh một đồng thì bốn cái bốn đồng, thích thì bớt cho tí thành năm cái bốn đồng chứ ai ngồi mà tính “bán sỉ thành không phẩy tám đồng một cái, vị chi mười cái được lợi hai đồng, hai mươi cái lợi bốn đồng” bao giờ. Vậy nên cái Xứ này bao năm không có thi Giáo lý Hạt, đi xa đã đành, trên ấy người ta lại khảo viết, thi sao được. Nguồn giáo lý viên của Xứ cũng rất đặc biệt, ấy là mấy nhà kha khá, tính cho con “đi nhà thầy” cố gắng cho nó qua sông học lấy cái chữ, nhưng không có phong trào nên chẳng đâu vào đâu. Cũng có vài chú được gởi cho Cha Quản hạt nhưng thi Chủng viện không đỗ, loanh quanh lại về nhà dạy giáo lý và chỉ bảo cho bạn bè đôi ba chữ, để khi rảnh rang ngồi bán bánh, kéo xe còn đọc mấy bài báo trên giấy gói hàng… cho vui. Xứ do Cha Quản hạt kiêm nhiệm, mỗi Chúa nhật Cha về làm cho một lễ, lâu lâu cho giải tội một lượt là xong, nhà ai có kẻ liệt thì thuê xe thuê đò chở Cha về xức dầu, thế thôi. Cha quá bận, Xứ lại xa xôi cách trở nên ngài cũng lực bất tòng tâm.

Vào một ngày đẹp trời, Xứ đón một chàng thanh niên… tóc hoa râm ghé thăm. Là thầy Mười, một thầy giáo có cái “lý lịch trắng”. Nghe đâu là thương binh trong chiến trường miền Nam cuối thập niên Sáu Mươi trong một trận đánh lớn, khi ra Bắc chữa trị thì chẳng còn nhớ gì ngoài… mấy con chữ, coi như tứ cố vô thân, được Nhà nước cho đi học làm thầy, lấy luôn cái tên “Mười” cho dễ nhớ. Thầy dạy giỏi lắm nhưng lại “tỷ lệ nghịch” với sức khỏe, ngoài bốn mươi thì vết thương tái phát nhiều lần, không đủ sức đứng lớp, phải nghỉ hưu non. Có người mách cho cụ Kính bên kia sông có bài thuốc Nam hay lắm nên thầy sang xem thử, ai dè thầy nói chuyện với cụ rất hợp gu, cảm mến luôn, bệnh tình cũng thuyên giảm nên ở lại dạy chữ cho mấy đứa con cháu cụ, vừa trả công lại đỡ “ngứa nghề”. Nhà cụ Kính rộng mênh mông, cò bay mỏi cánh rơi chết còn chưa hết đất. Cụ cho “ông giáo” hẳn hai sào đất cuối vườn, dựng cái nhà tranh nho nhỏ, bảo “tự làm mà ăn, lao động chân tay nhiều khắc hết bệnh”. Thầy Mười ở với cụ Kính mấy năm, rảnh rang chẳng có sách gì đọc ngoài Sách Kinh và Giáo lý Công Giáo, cảm cái ơn cứu mạng của cụ Kính, theo Đạo luôn. Cụ Kính cũng là người làm phép rửa tội cho thầy, rồi sau đó ít lâu, thầy trở thành trưởng ban Giáo lý viên của Xứ, còn ai xứng đáng hơn…

Một người nặng lòng với con chữ như thầy Mười, lẽ dĩ nhiên không để cho Xứ cứ mãi không có người đi thi Giáo lý Hạt được. Thầy quyết tâm xóa mù chữ cho cái Xứ này. Nhưng nói thì dễ chứ làm chẳng dễ tí nào. Địa bàn quá rộng, người dân thì lam lũ, mỗi tuần có hai tối học Giáo lý mà đi chưa đủ, đến lớp còn ngủ gà ngủ gật, nói chi chuyện học chữ. Cũng phải thôi, đi xe bò kéo, chăn trâu hay làm bánh, bán rau đều phải dậy từ sáng sớm, tối mà ngủ muộn thì sáng ra đâu có mở mắt nổi. Thầy đến từng nhà động viên mà chẳng mấy ai hưởng ứng. Con nít mười tuổi trở lên đã lo kiếm ăn, dưới mười tuổi thì sợ đi xa, loanh quanh mãi cũng chỉ gom được một lớp, chủ yếu là mấy đứa nhỏ gần nhà. Ông Việt, ông Bằng là trường hợp đặc biệt, ngấp nghé tuổi hai mươi, sắp lấy vợ đến nơi nhưng nhà xa, được đặc trách đưa các em đến lớp, sẵn tiện “học ké” luôn. Chuyện dạy học của thầy Mười “li kì” phải biết, nhưng ông Việt nhớ nhất hai chuyện.

Một là chuyện đi thi Giáo lý Hạt lần đầu, khoảng những năm cuối thập niên Tám Mươi thế kỷ trước. Thầy Mười phải bỏ tiền lương thương binh của mình ra thuê đò, thuê xe cho ba đứa cũng chẳng phải giỏi nhất đi thi, tại vì mấy đứa giỏi hơn ba mẹ nó bắt ở nhà. Gọi là “thuê xe” cho oai, thực ra là xin đi nhờ xe tải, bốn thầy trò ngồi sau rơ-mooc, đội nón lá sùm sụp để tránh nắng. Khi đi thì không sao, khi về chẳng may gặp tai nạn, hai đứa bị thương khá nặng, thầy phải bỏ hết mọi công mọi việc đi chăm, tiền tiết kiệm mấy năm cũng bay theo hết. Mà thực ra, chưa bị ba mẹ tụi nó đánh cho là may, và cũng “may” là bị tai nạn xe, chứ đắm đò thì thầy thành “tội nhân thiên cổ” rồi. Mấy ông bà không cho con đi thi có vẻ đắc ý, dèm pha đủ điều. Tưởng chừng chuyện đi thi Giáo lý Hạt sau này coi như đã khép lại hoàn toàn thì bất ngờ cả ba đứa đều “Ưu”, còn có một đứa Giải Nhất nữa mới ghê, bằng đỏ mang về treo sáng choang cả nhà, Cha quản Hạt về làm lễ khen mãi. Lúc đó mấy nhà không cho con đi thi lại ngồi tiếc, còn bị người trong Xứ chửi cho ngập đầu, khổ công thầy phải dàn hòa. Chuyến này thầy tán gia bại sản nhưng đổi lại được niềm tin yêu tuyệt đối của mọi người, và phần thưởng trong mơ là một bộ Kinh Thánh toàn tập.

Chuyện thứ hai là huyện phổ biến công tác xóa mù chữ, thầy vui lắm, lên thị trấn lấy bằng hết các sách vở, thuê xe thuê đò chở về rồi cùng bé Thanh - cháu cụ Kính - hì hục phân loại, gom thành từng bộ, giao cho nó nhiệm vụ đạp xe đưa đến từng nhà. Thầy tính ít nữa sẽ cùng Bằng, Việt chia nhau đến tận nơi hướng dẫn mọi người học chữ và làm bài. Nào ngờ, một bữa thầy đi qua chợ, có bà Tập chạy theo, dúi vào tay thầy một gói bánh rán to, nóng bỏng tay, bảo cảm ơn thầy dạy dỗ cho mấy đứa con mà không lấy một xu. Thầy chối mãi không được phải nhận. Về nhà mở ra thấy tờ giấy gói bánh quen quen, ra là… sách xóa mù chữ. Thầy giận lắm, sang tận nhà bà Tập hỏi cho ra nhẽ. Là thế này, con bé Thanh đến xóm ấy chỉ gặp mỗi ông Tập, còn các nhà khác đang đi ăn cưới nên nó gởi hết cho ổng, nhờ tới chiều chuyển hộ. Ông Tập vứt tạm vào góc nhà, gần ngay chỗ để giấy gói bánh của bà Tập rồi quên khuấy mất, bà Tập chẳng biết chữ, không biết là thứ sách vở gì,“cứ thế dùng”. Khi thầy Mười đến thì mấy bộ sách vở đã bị dùng gói bánh gần hết, thầy nổi khùng với ông Tập, nếu mọi người không can ngăn kịp thời, biết đâu đã có đổ máu chứ chẳng chơi.

Vậy đó, chuyện dạy Giáo lý, dạy chữ ở cái Xứ lạ đời này thật lắm gian nan. Qua bao năm vẫn cứ trông cậy hết vào một cụ già đã qua tuổi “cổ lai hy” say sưa với con chữ quên cả hạnh phúc riêng, mấy lần xin nghỉ chẳng được. Ta nói, “có không giữ, mất đừng tìm” chẳng sai, giờ Cụ nghỉ là biết tay nhau ngay. Nhân tài đầy ra đấy, nhưng hai chữ “hy sinh” sao mà khó tìm vậy trời!

***

- Dạ, con chào thầy ạ…

Không thấy trả lời. Ông Việt tiến vào nhà, nơi thầy Mười đang lim dim mắt, gà gật như đang “phiêu” theo tiếng hát thiên thần hay những áng văn thơ lãng mạn nào đó trên chiếc phản gỗ đặt trước sân nhà. Đúng như những gì ông Bằng kể, thầy già hẳn đi, tóc bạc phơ, gương mặt hốc hác, da đã ải đi nhiều. Ông chào thêm lần nữa nhưng dường như Cụ không nghe thấy. Sợ thầy giật mình không dám chào to, ông lại vòng sang bên phải. Tới lúc đó thầy Mười mới bừng tỉnh, cười nhẹ:

- Việt à, về rồi hả con, đợt này đi lâu quá ha!

- Dạ cũng hơn ba năm ạ. Con xin lỗi đã quấy quả giấc ngủ của thầy…

- Ngủ gì đâu, đang ngồi nghĩ ngợi ấy mà. Là vì dạo này thầy nghễnh ngãng rồi, chỉ nghe được bằng tai bên phải năm phần thôi…

(Cụ vừa nói vừa nghiêng nghiêng đầu sang trái để trả lời ông Việt)

- Ôi, tai thầy tệ đến thế rồi cơ à. Để lần tới con bay, sẵn tiện đưa thầy lên Hà Nội đo thính lực rồi mua cho thầy cái máy trợ thính.

- Không cần đâu, tốn kém lắm, con có tiền để đó tặng cho Quỹ khuyến học của Xứ hoặc làm phần thưởng thi Giáo lý đi. Thầy già rồi, nghe càng ít càng tốt, chỉ nên nghe những cái cần nghe, haha…

- Thầy lại khôi hài rồi. Thầy biết con vẫn thường xuyên tặng học bổng cho con em trong Xứ mà. Con xin phép hỏi điều này, có phải tai thầy kém nên quyết định nghỉ hẳn không ạ!?

- À à, anh nghe chuyện đó rồi hả. Một phần thôi, thầy tự thấy cũng đến lúc phải nghỉ rồi.

- Con không an tâm, con thấy mọi người cũng lo lắng lắm ạ…

- Dào ôi, ông Mười nghỉ thì đã có ông Mười Một, ông Mười Hai lo, haha, chẳng phải ba năm trước thầy đã nói với anh thế còn gì…

- Thầy lại đùa… Chứ tụi con lo thật à. Ông Tuấn, bà Thu lo được phần giáo lý, còn phần dạy văn hóa…

- Không lo, không lo! Bữa trước Thông về, nó kể ông bạn đang giữ chức Trưởng phòng giáo dục huyện tiết lộ đã có dự án xây trường ở Xứ mình, sang năm khởi công, chừng hơn một năm là xong ấy mà. Thông cũng đang liên hệ xin tài trợ cho Thư viện và Phòng thí nghiệm của trường mới rồi. Đường sá giờ cũng thuận lợi, cầu đã bắc khỏi phải đi đò. Tuệ mới lập cho Xứ một Website, mọi thông tin đều được đưa lên đó, việc xin tài trợ cũng thuận tiện hơn. Còn nữa, Mẫn, em trai Tuệ vừa thi đỗ Chủng viện, chắc Đức Cha giữ lời hứa sẽ cắt cử linh mục về quản riêng Xứ mình. Chuyện đạo chuyện đời vậy là ổn cả. Thầy nghỉ lúc này là hợp lý. Tất cả dòng sông đều chảy con ạ, cứ yên tâm.

- Dạ, thế còn thầy ạ?

- Thầy ấy à, haha, nghỉ ngơi thưởng trà làm thơ, hưởng nốt những thú vui xa xỉ chưa từng nếm trải. Tiền ấy à? Có lương thương binh, giờ đường lớn mới mở qua nhà đấy, bán đi nửa đất gởi tiết kiệm chắc tiêu đến trăm tuổi cũng không hết, haha…

***

Ông Việt rời nhà thầy Mười lòng đầy phấn khởi. Ông đang đi trên con đường mới mở nối khu công nghiệp tương lai đến thị trấn nay mai sẽ được “nâng cấp” lên thị xã. Con đường được rải nhựa rộng thênh thang, mỗi bên đủ ba làn ô tô lưu thông, hai bên đường là hàng cây xanh mới trồng chừng vài năm đang bắt đầu trổ sinh lộc lá biếc xanh. Cuối con đường là cây cầu bắc qua sông, sơn còn chưa chút bong tróc, nơi ông vừa được taxi đưa đến tận cửa làng mà không phải đi đò như năm nào. Một trang sử mới của Xứ đang được lật ra trước mắt ông. Ông ngửa mặt lên trời hít sâu thật sâu với lòng tự hào vô bờ bến, thì bỗng đâu một luồng gió độc xộc vào mũi làm ông nghẹn thở. Tay bịt chặt miệng, ông trợn tròn mắt nhìn xuống lòng sông. Bao lời thầy Mười dạy đều đúng, duy lần này thầy “lỗi thời” mất rồi: Không phải mọi dòng sông đều chảy! Dòng sông quê ông nay đen ngòm, đặc quánh rác thải công nghiệp và dân sinh, không một bóng thuyền bè. Mới có mấy năm mà thay đổi quá nhanh, những gì được nghe kể qua điện thoại và những gì ông vừa nhìn thấy không thể diễn tả hết được. Hóa ra người ta xây cầu vì không một con đò nào có thể qua nổi dòng sông chết ấy. Nghe nói Sở Môi trường đã bao lần đến khảo sát lập biên bản nhưng rồi đâu lại vào đấy. Không phải dòng sông không chảy nữa, nhưng ai, ai mới là người khơi lại dòng chảy ấy? Thốt nhiên ông chột dạ khi nghĩ về những điều thầy Mười nói. Cụ “lạc quan tếu” thôi! Dự án xây trường chỉ mới trên giấy, chắc gì đã thành hiện thực. Hai cái cậu Thông, Tuệ đang ở tận trời Âu, nước xa đâu cứu được lửa gần. Chuyện Đức Cha hứa “một đổi một” cũng đâu có dễ. Nhà thờ xuống cấp, nhà xứ dột nát thế kia sao đón được linh mục về, còn cái cậu Mẫn cũng mới đỗ Chủng viện thôi, đường tu còn dài lắm. Chuyện cá nhân thầy Mười nữa. Già cả neo đơn, trước còn có học sinh qua lại, nay một thân một mình, trái gió trở trời biết cậy vào ai. Đã thế tai lại nghễnh ngãng, nhưng nếu có tiền mua máy trợ thính, chắc Cụ cũng chẳng mua mà để dành tặng Quỹ khuyến học. Còn cái mảnh đất kia vẫn là đất nhà cụ Kính, lại ở vị trí “đắc địa”, hai sào đất ấy đáng giá hơn cả héc-ta còn lại ấy chứ. Cụ Kính đã ngoài chín mươi, dù còn minh mẫn nhưng tuổi già như ngọn đèn trước gió, nói dại, cụ mà nằm xuống, ở cái thế thời “nhân tình bạc như vôi” này, chưa biết chừng bầy con cháu lại đẩy thầy Mười ra đường chứ chẳng chơi. Học trò “kiến giả nhất phận”, nhỡ Cụ bị đẩy ra đường liệu có ai đón về chăm? Như bản thân mình đây thôi, nhà không thiếu của, phòng chẳng có người nhưng cứ đi Angola miết thế này, cái bà chằn kia đời nào chịu rước Cụ về nhà! Vậy đó, cuộc đời thật nghiệt ngã, người khơi thông dòng nước lại chẳng có con sông nào cưu mang…

- A, cháu chào ông Việt ạ!

- Ông ơi, ông về lần này có phát học bổng cho chúng cháu không ạ!

- Ông ơi, Trung Thu này chắc ông có nhiều quà cho bọn cháu lắm?

Một nhóm học sinh áo trắng, quần xanh, khăn quàng đỏ vừa đạp xe qua cầu vây quanh, lao nha lao nhao làm đứt mạch suy nghĩ của ông Việt. Ông mỉm cười chào lại chúng, kéo khóa mở vali lấy gói “kẹo Tây” phân phát:

- Yên tâm yên tâm, đâu sẽ có đó. Tất cả các dòng sông đều chảy, haha…

Nhìn theo bóng lũ trẻ - lứa học sinh cuối cùng của thầy Mười - dần xa trên những chiếc xe đạp đa chủng loại, màu sắc. Tiếng chuyện trò lao xao của chúng còn vọng lại: “Kẹo ngon quá mày ạ”, “Ừ kẹo Tây mà, mềm và ngọt, tao để dành cho em gái, chắc nó thích lắm”, “Tao để dành cho bà nội, chắc bà chưa từng được ăn”, “Tao sẽ gắng học thật giỏi để đi nước ngoài bọn mày ạ”… Mắt ông Việt như “mở ra”. Đúng, lời thầy Mười vẫn mãi là lời chân thật. Lũ trẻ sẽ lớn lên, để khi trưởng thành lại mải miết đi tìm Miền Đất Hứa, rồi cầu mong mai ngày được hưởng an vui tuổi già. Tất cả các dòng sông đều chảy, nhưng mỗi thời một khác, chảy về đâu, mạnh hay yếu, nhanh hay chậm, trong lành hay ô nhiễm, điều đó hoàn toàn phụ thuộc việc khơi thông nó thế nào. Người khơi dòng không mong được báo đáp nhưng đơn giản chỉ là giúp sông được sạch trong khi về với biển và cũng là người tới “Biển Tình Yêu” trước, dang tay đón những dòng sông chảy về. Hiếm ai một đời tận hiến làm “cánh tay nối dài” của cha Đắc Lộ như thầy Mười, và cũng mấy ai làm được những việc lớn lao như ba học trò yêu của thầy. Nhưng mỗi người đều hoàn toàn có thể là “bé Thanh thứ hai”, là con thuyền, là mái chèo phụ giúp “thầy Mười Một, thầy Mười Hai…” tiếp tục khơi trong dòng chảy cuộc đời…

Đăng nhận xét

0 Nhận xét