Xin trân trọng kính chào quý độc giả bốn phương và quý tác giả Giải Viết Văn Đường Trường. Kính chúc quý vị, các bạn và gia đình một lễ Giáng sinh 2017 vui tươi, thánh thiện và Năm mới 2018 an bình hạnh phúc trong Chúa.
1. KẾT THÚC GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG V
Cuộc thi Giải Viết Văn Đường Trường V đã kết thúc và trao giải tại Chủng viện Làng Sông, Qui Nhơn, ngày 21-22/9/2017.
Những tác phẩm đạt giải của cuộc thi này đã được tập hợp in trong Tuyển tập “Những đứa con của Mẹ” và đã xuất bản. Tuyển tập dày 308 trang, khổ 13 x 20,5 cm, giá bìa 62.000đ. Các bạn có thể đặt mua tại Văn phòng Tập san Mục Đồng, Đt: (0256) 350-1373 hoặc email: [email protected] với giá 40.000 đ, tiền vận chuyển tính riêng, cũng có thể tìm mua tại một số nhà sách hoặc liên lạc với ô. Cao Thành Thái, Trung tâm Phát hành sách Đông Dương, sđt: 0913-909-182.
2. BẢN TUYÊN BỐ ĐẠI KẾT GIÁO LÝ VỀ ƠN CÔNG CHÍNH HÓA
Cuộc thi Giải Viết Văn Đường Trường V đã kết thúc nhưng Ban Tổ chức vẫn còn vương một món nợ ân tình với mọi người. Mãi gần đây chúng tôi mới có được bản dịch tương đối tốt cho văn kiện liên quan tới một trong hai chủ đề của cuộc thi là niềm hy vọng đại kết Kitô giáo, mang tên “Bản tuyên bố chung giữa Liên hiệp Tin Lành Luther thế giới và Giáo hội Công giáo về giáo lý về ơn công chính hóa”.
Bản Tuyên bố chung này là kết quả của nhiều chục năm làm việc chung giữa Liên hiệp các Giáo hội Luther Toàn cầu và Hội đồng Giáo hoàng Cổ võ Sự Hiệp nhất Kitô giáo thuộc Giáo hội Công giáo, được hoàn thành năm 1999; sau đó Hội đồng Thế giới Giáo hội Giám lý cùng tiếp nhận ngày 18-7-2006 và ngày 05-7-2017 các nhà lãnh đạo của Khối Hiệp thông các Giáo hội Cải cách Toàn cầu, đại diện cho 80 triệu tín hữu thuộc các hệ phái Congregational, Presbyterian, Reformed, United, Uniting and Waldensian cũng đã cùng ký tên vào bản Tuyên bố chung này. Ngày 31-10-2017, trong buổi cầu nguyện tại tu viện Westminster, kỷ niệm 500 năm việc Martin Luther đóng đinh 95 luận văn chống Giáo Hội Công Giáo trước cửa nhà thờ Các Thánh tại Schlosskirche thuộc xứ Wittenberg, bên Đức, Hội đồng tư vấn Anh giáo đã chính thức chấp nhận bản Tuyên bố chung này.
Xin mời quý độc giả đọc toàn văn bản dịch tại:
3. THÊM MỘT TUYỂN TẬP TRUYỆN VỀ ĐẠI KẾT
Nhân đây chúng tôi cũng xin nhắc lại. Đề tài đại kết dần dần được các tác giả trẻ quan tâm, mặc dù nó khá mới mẻ và hóc búa. Một số bạn trẻ cho biết vừa khi hiểu ra vấn đề và có được ý tưởng để xây dựng truyện thì đã hết hạn nộp bài. Một số bạn trẻ Tin lành cũng lấy làm tiếc vì biết tin quá muộn. Để đáp ứng thiện chí của các bạn ở những trường hợp ấy, Ban Tổ chức đang xúc tiến thực hiện thêm một tuyển tập về chuyên đề này, ngoài khuôn khổ các cuộc thi, mang tên “Cuộc chạy đua thần linh”.
Các truyện in trong tuyển tập này sẽ có sách biếu và nhuận bút. Rất mong quý vị và các bạn giới thiệu rộng rãi dự kiến này đến mọi bạn trẻ, cách riêng là các bạn trẻ Tin lành. Bài tham gia Tuyển tập này xin gởi về email: <[email protected]>. Xin vui lòng góp bài trước ngày 15-4-2018.
4. CHỦ ĐỀ CUỘC THI 2018
Cuộc thi lần VI, năm 2018, sẽ là cuộc thi kết thúc Giải Viết Văn Đường Trường. Mời quý vị và các bạn xem bản thể lệ ở cuối bản tin này. Theo đó, cuộc thi lần VI có 2 chủ đề:
- (1). Theo định hướng mục vụ ba năm hiện nay của Hội đồng Giám mục: “Gia đình tín hữu Kitô giữa những thách đố ngày nay”. Quý tác giả muốn đào sâu chủ đề, có thể tham khảo Tông huấn Niềm Vui Yêu Thương của Đức Thánh Cha Phanxicô, bản Việt ngữ hiện có trên mạng.
- (2). Chào mừng quyển giáo lý thực hành dành cho người trẻ, DOCAT, về trách nhiệm xã hội của người Kitô hữu: “Sống công bằng, hòa thuận, quý trọng mọi người và quên mình vì ích chung”.
Bản dịch Việt ngữ đã phát hành. Xin mời xem mẫu và mua trực tuyến tại trang bayard.vn. Muốn mua số nhiều với giá ưu đãi, cũng có thể gọi về Bayard Việt Nam qua số 08-6283-2899 hoặc 01689-462-386.
5. GIỚI THIỆU BÀI MỚI
Chúng tôi đã nhận được 15 bài dự thi và đã chuyển đến Ban Tuyển đọc 13 bài. Một tín hiệu đáng mừng là trong số 13 bài có đến 9 bài đã được chọn qua vòng sơ loại. Dưới đây là truyện được chọn đầu tiên. Các truyện khác sẽ được đăng dần trên trang Văn Thơ Công Giáo và trang Mục Đồng, xin mời xem tại vanthoconggiao.net và tapsanmucdong.net .
Nguyện xin Chúa Hài Đồng xuống muôn ơn lành trên tất cả chúng ta.
Qui Nhơn ngày 20-12-2017
TM Ban Tổ chức
Lm Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh
GIỚI THIỆU TRUYỆN MỚI
Mã số: 18-001
TRÁI TIM KHÔNG NGỦ YÊN
Nắng chiều dát vàng trên triền đồi. Từ bên này nhìn sang, cả một đồi tràm đầy sức sống. Những bông nắng làm hoa trên những cành cây xanh lá.
Bước chân cô trải đều trên con đường đất, đôi mắt cuốn theo cả đồi tràm bát ngát. Cô tự hỏi, không biết có phải là hoa tràm không hay chỉ là do những bông nắng nghịch ngợm đậu lại trên cành, cố tình níu giữ chút gì còn sót lại cuối ngày? Là hoa hay là nắng khi hương thơm dịu nhẹ quyện vào làn gió thoảng qua, rồi tràn vào cánh mũi mang lại một cảm giác thật dễ chịu và rất đỗi bình yên.
Là hoa rồi! Nhìn xem, những bông tràm vàng óng đang rụng xuống dưới chân. Trên mái tóc cô cũng vương lại mấy bông. Cúi mình, cô đưa tay nhặt nhạnh những bông tràm bé xíu theo gió thổi rơi xuống con đường này rồi mỉm cười vì một khám phá mới mẻ mình vừa nhận ra.
Tán xà cừ cũng nở đầy hoa nắng. Bây giờ, khi nắng chiều chỉ còn là những sợi chỉ mỏng manh trên nền trời thì những bông hoa lúc nãy cũng đã vội vàng đi ngủ theo anh mặt trời ở tận ngọn núi phía Tây. Chỉ có hoa tràm vẫn mang hương thơm dịu nhẹ thoảng trong không khí là minh chứng cho sự hiện hữu của mình.
Tiếng chuông chiều thả đều từng tiếng một trên cái tháp cao của ngôi Thánh đường cổ kính. Tiếng chuông hay tiếng Chúa gọi cô tìm về, tìm về một tuổi thơ chưa hẳn đã mờ nhạt nhưng là những mảnh ký ức chắp nối nhau chợt ùa về; tìm về quá khứ để dám đối diện với những nỗi đau và bất hạnh. Nỗi đau của một bông Quỳnh bị vùi dập trong bóng đêm của cuộc đời. Bàn tay nào sẽ nâng dậy những mảnh đời bất hạnh và xoa dịu những nỗi đau của kiếp người?
***
Tuổi thơ của Quỳnh êm đềm trôi qua trong tình thương yêu của bố mẹ và các anh. Mười tám tuổi, cái tuổi đẹp như trăng rằm. Quỳnh được bọn trai làng săn đón không phải chỉ vì nước da trắng hồng, nụ cười chúm chím duyên dáng mà còn bởi sự e lệ, kín đáo.
Mười tám tuổi, Quỳnh đã đủ khôn lớn để tự định hướng cho mình một tương lai nhưng Thiên Chúa lại dẫn Quỳnh đi sang một ngã rẽ khác. Một chiều đi học về, Quỳnh có cảm giác như bị ai đó theo dõi. Mấy ngày liền như vậy, Quỳnh đâm sợ rồi cô tìm cách cắt đuôi người phụ nữ này. Quỳnh sợ nhưng không dám nói với bố mẹ.
Một hôm, Quỳnh đánh liều nhìn kẻ lạ mặt thì bắt gặp sự bối rối của bà.
- Tại sao bà lại đi theo tôi? Bà là ai?
- Cháu… đẹp gái quá! Ta, t…a thấy con khỏe là... t…a vui rồi.
- Rốt cuộc thì bà là ai?
- Ta...!
Quỳnh thấy lạ vì mắt bà đã ngấn lệ. Đột nhiên bà nắm chặt tay Quỳnh như không muốn rời. Cô hốt hoảng rút tay và vùng chạy.
Quỳnh nhớ lại ngày còn bé, mỗi lần đi học chung với lũ bạn trong xóm, chúng thường chọc cô là đồ con rơi. Quỳnh khóc nhè rồi về nhà lại sà vào lòng mẹ, nghe mẹ thủ thỉ: “Con là con gái cưng của bố mẹ mà!”. Cứ thế, Quỳnh yên tâm.
Lớn lên, Quỳnh biết mình ngày càng xinh đẹp. Cô tự hỏi: “Tại sao mình lại chẳng có nét gì giống bố hay giống mẹ nhỉ? Không giống một tí tẹo nào. Quả thật, mình chẳng giống ai trong nhà cả”. Cả ba anh đều có nét giống bố và mẹ. Có lẽ nào?
Về nhà, Quỳnh quyết định phải tìm ra sự thật. Mọi người trong nhà đều đi vắng. Quỳnh kéo cái rương dưới gầm giường của bố mẹ rồi mở ra tìm kiếm giấy tờ. Cuối cùng, cô cũng đã tìm thấy: cô chỉ là đứa con nuôi. Quỳnh ôm mặt khóc, nỗi thất vọng ập đến trong lòng. Tâm hồn Quỳnh như con nước êm đềm trôi trên con sông gặp phải khúc quanh và dốc, nó trở mình và sóng cuộn tràn rồi đập vào bờ đá. Đau rát và tê tái. “Không thể nào! Bố mẹ đã lừa mình! Anh Ba lừa mình! Mọi người đều đã lừa mình suốt thời gian qua!”
Quỳnh chạy thốc ra đường rồi tìm đến ngọn đồi tranh ở làng sau. Cô lên đó để chỉ được ở một mình, khóc thật to.
Hơn sáu giờ tối, bố mẹ Quỳnh mới từ đồng về. Nhìn thấy chiếc rương bị kéo ra giữa nhà và mở tung thì ông bà đinh ninh là có trộm. Mẹ vội vàng kiểm tiền nong. Bố cúi xuống kiểm tra rương thì những giấy tờ quan trọng vẫn còn nguyên, duy tờ đơn nhận con nuôi thì bị nhàu. Ông mở ra vuốt lại cho thẳng. Những giọt nước mắt của Quỳnh đã làm nhòe đi mấy con chữ. Ông linh tính có điều không hay xảy ra.
- Mình ơi, không xong r...ồ...i...! Lại đây xem!
- …
- Có phải con Quỳnh nó đã biết?
- Không xong r..ồ..i!
Hai vợ chồng nhìn nhau, lòng bất an.
***
Quỳnh thất thểu đi. Lòng buồn rười rượi. Trái tim đau lắm. Nó đang rỉ máu. Cô bước đi, bước đi. Đôi chân mệt rã rời. Nắng chiều tàn tạ. Mắt Quỳnh nhức nhối, tâm trạng rối bời, không đủ tỉnh táo nữa. Đường quê khá vắng vẻ, thỉnh thoảng chỉ có mấy chiếc xe máy chạy vù qua, để lại phía sau đám bụi mịt mù khiến cô ho sặc sụa. Từ đồi tranh, cô lững thững đi xuống rồi trượt té nhưng đôi chân chỉ trầy xước. Máu từ đầu gối và khủy tay rỉ ra đau rát. Cái đau ấy không khiến cô chới với cho bằng nỗi đau của con tim đang bị con dao rạch vào, sâu hoáy. Nó khiến bước chân cô chới với, bước hụt hẫng trong chiều tàn. Cái bụng đói meo khiến cô nhớ đến bữa cơm mẹ nấu thật ngon. “Mình phải về thôi. Chắc bố mẹ đang rất lo lắng cho mình”.
Dòng sông uốn mình qua những bãi ngô, mặt sông lấp lánh ánh trăng. Phía trên cao, mặt trăng đã chênh chếch. Trời lờ mờ sáng, thứ ánh sáng của mảnh trăng non cố in bóng dáng liêu xiêu của Quỳnh trên con đường đất đỏ. Tiếng gọi của ai đó khiến cô giật nẩy mình.
- Ê cô bé! Quá giang không?
Hai thanh niên chạy xe thấy Quỳnh liền tắp xe thật gần cô để ghẹo. Cô nép mình vào ven đường, không trả lời. Cô sợ hãi bước đi thật nhanh, lòng chợt hối hận.
“Bố mẹ ơi cứu con!”… Tiếng kêu cứu nhỏ dần, nhỏ dần rồi nhường chỗ cho tiếng cười khoái chí của hai con thú vồ mồi.
Hơn tám giờ tối, bố mẹ mới tìm thấy Quỳnh. Cô đang ngồi co mình run rẩy dưới gốc cây bên đường. Chiếc áo học sinh bị xé rách. Trông thấy bộ dạng của con, bà òa khóc rồi ôm lấy con. Ông đấm mạnh vào thân cây, thốt lên: “Quân khốn nạn!”
Sau bữa cơm tối Chúa nhật, Quỳnh ngồi trên giường, lặng lẽ nghe bố kể về biến cố nhặt được mình thế nào. Biến cố ấy đặc biệt đến nỗi, ông xem đó như món quà vô giá mà Thiên Chúa ban tặng. Những giọt nước mắt vắn dài của mẹ trong dòng kể những lần Quỳnh ốm thập tử nhất sinh, mẹ đã lo lắng và chăm sóc Quỳnh như thế nào. Quỳnh là một đứa trẻ ốm yếu và khó nuôi nên khi lên ba, Quỳnh đã được khấn cho ông thánh Antôn. Từng dòng kể của mẹ, Quỳnh đều có thể hình dung được những nét hao gầy và bàn tay yêu thương mà mẹ đặt trên cuộc đời cô. Tấm lưng trần và đôi vai vững chắc của bố vẫn là chỗ dựa cho Quỳnh. “Bố Tuấn! Bố Tuấn cõng con!”… Mới ngày nào bé Quỳnh còn nhõng nhẽo theo chân bố, vậy mà bây giờ đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp. Đôi vai ấy cũng là nơi mà mái đầu bé con của Quỳnh tựa vào đầy tin tưởng để thỏa sức ngủ một chặp từ nhà bà ngoại đi về. Còn nhiều lắm những kỷ niệm thân thương mà Quỳnh đã từng cảm nếm. Trái tim và con người của cô nhờ thế mà được ôm ấp, và được hấp thụ những giọt sữa tình yêu ngọt lành từ mái nhà nhỏ này.
- Con gái à! Bố mẹ thật lòng không muốn giấu con. Chỉ là…
- Nhưng tại sao chứ? Con là ai trong nhà này?
- Con là con gái của bố mẹ. Con là niềm vui của bố mẹ.
- Nhưng con là đứa con rơi! Tại sao ông trời lại đẩy con vào cuộc sống này? Để bây giờ, con… không còn nguyên vẹn nữa rồi! Con hận họ! Huhu…!
- Con ơi! Bố mẹ đau lòng lắm…
- Con xin lỗi! Con phải làm sao đây?
Mẹ ôm Quỳnh vào lòng. Những giọt nước mắt của yêu thương chan hòa.
Bố lặng lẽ nhả khói, đôi mắt trầm ngâm nhìn lên Thánh giá. Ngọn khói trắng tản ra rồi loãng vào không khí nhưng cái mùi hương của nó vẫn còn. Ông ném điếu thuốc vào thùng rác, đấm hai tay vào nhau rồi bước vội ra đường.
Đêm nay, bầu trời không có trăng sao, không gian chìm ngập trong cái bóng tối đặc quánh. Ánh đèn điện le lói của căn nhà cấp bốn không phóng đi xa được. Con đường đất gập ghềnh những bước chân xiêu vẹo của một con người đang cố thoát ra khỏi vùng tối. Ông tìm đến ngôi nhà thờ, mở cửa bước vào trong, lặng lẽ quỳ xuống, rấm rứt khóc.
***
Quỳnh thấy dấu hiệu bất ổn của cơ thể nên tự đi kiểm tra. Kết quả khiến Quỳnh ngỡ ngàng, chua xót.
Suốt thời gian đó, Quỳnh tự nhốt mình trong phòng không chịu nói chuyện với ai. Chiếc vỏ ốc càng đi sâu càng chật hẹp và ngột ngạt. Cả nhà ai cũng lo lắng cho Quỳnh.
Quỳnh trốn bố mẹ đi phá thai nhưng khi người ta vừa gọi đến tên, Quỳnh đã vùng bỏ chạy. Lương tâm cô cứ chất vấn: “Phá thai là giết người. Đó là một tội ác. Bố mẹ đẻ đã bỏ rơi mình, chẳng lẽ mình còn tệ hơn cả họ!”. Quỳnh bơ vơ và mất phương hướng. Cô hận cuộc đời và nấc nghẹn trong những nỗi đau.
Nhìn cái bụng bầu của Quỳnh, người ta sẽ tha hồ xỉa xói. Quỳnh như cánh bèo bị sóng cuốn trôi. Rồi, cô bỏ vào Nam, đi xa để trốn chạy cuộc đời.
Từ ngày Quỳnh bỏ đi, mẹ như người mất hồn. Bố cứ bước khập khiễng trong những đêm dài tối mịt. Căn nhà chẳng còn rộn tiếng cười nhưng đầy u ám. Ra vào nhà, nhìn đâu ông bà cũng thấy bóng dáng con. Nơi chiếc bàn, bố thấy Quỳnh đang cặm cụi học bài. Xuống bếp, mẹ thấy Quỳnh đang nhặt rau, thấy nụ cười trong trẻo và ánh mắt ngời sáng. Nghe đâu Quỳnh bắt chiếc xe khách Bắc Nam nhưng trời cao đất rộng, ông bà biết tìm con ở đâu.
Ông quyết định đi tìm con cho bằng được. Chúa ban nó cho ông rồi Chúa sẽ dẫn nó về. Ông bà xin lễ cầu bình an và khấn thánh Antôn. Nhất là cả nhà vẫn luôn tín thác vào lòng thương xót của Chúa.
***
Sáng sớm, thấy Quỳnh nằm dài trên ghế đá công viên, một chị đến gần hỏi thăm. Thế rồi, Quỳnh gặp Dì.
Chẳng phải là cuộc đời xô đẩy dập vùi khiến Quỳnh nổi trôi, phiêu bạt như cánh bèo để rồi cuộc đời lại cho Quỳnh được gặp Dì như là định mệnh.
Bây giờ, khi đứng giữa triền đồi bát ngát những hoa tràm thơm dịu này, Quỳnh nhớ đến những nỗi đau mà mình đã trải qua. Vết thương chưa lành mà cứ đau, không cần phải đợi đến khi trái gió trở trời nhưng cơn đau triền miên hành hạ khiến tâm hồn Quỳnh thêm giày vò. Quỳnh vẫn hỏi Chúa mãi mà chẳng thấy Ngài trả lời: “Tại sao Chúa đẩy con vào hoàn cảnh này? Chúa ơi, tại sao Ngài im lặng?”
Quỳnh đã cố không khóc nhưng nước mắt cứ rơi. Đưa tay sờ xuống vùng bụng, cô cảm nhận được một mầm sống đang cựa quậy, nó đang cố bám lấy cô để lớn lên, để mong mỏi được sống. Ôi! Đứa trẻ tội nghiệp. Nếu như nó là kết quả của chuyện tình giữa Quỳnh và người yêu thì hẳn cô đã bất chấp mọi sự để giữ lấy hạnh phúc cho riêng mình. Nhưng hỡi ôi, nó chỉ là một tai nạn mà chính Quỳnh lại là nạn nhân. Đứa bé có biết đâu Quỳnh đang phải đấu tranh với Thiên Chúa để tìm lại công bằng cho bản thân.
Trong đêm dài của cuộc đời, có một cô bé đang vật lộn với những ý nghĩ sai lầm về Thiên Chúa.
Quỳnh nhớ đến những lúc ở bên Dì. Ngày Dì đón nhận Quỳnh vào mái ấm “Bảo vệ sự sống”, cô đã được Dì yêu thương và hướng dẫn. Quỳnh đã từng dùng chiếc khăn siết bụng mình để không còn phải đau khổ nhưng chính bàn tay của Dì đã ngăn lại. Quỳnh đã kể cho Dì nghe những điều xảy đến cho mình, những nỗi đau, những vết thương nối tiếp nhau ập đến khiến thân thể và tâm hồn của Quỳnh nát tan. Dì kiên nhẫn lắng nghe, kiên nhẫn nghe Quỳnh chửi rủa, khóc lóc và trút mọi uất hận. Dì mở ra cho Quỳnh một con đường mới, tuy cô chưa thấy rõ lắm nhưng một niềm tin đã nhen nhóm trong tâm hồn.
- Con có từng hạnh phúc không?
- Dạ… có! Đó là khi con nhìn thấy bố mẹ nuôi của con cười. Được ăn những bữa cơm mẹ nấu. Con nhớ tấm lưng của bố… Còn nhiều lắm…! Nhưng… đó là trước đây. Còn bây giờ… lòng con…
- ...
- Nhìn lên trời cao, sao Cha ở quá xa! Có phải Cha vẫn bên con? Nhưng sao con chẳng cảm nhận được? Cha ở đâu khi trái tim con vẫn âu sầu, đau đớn như lúc này?
Mắt Quỳnh đã mờ đi theo dòng lệ.
- Cha vẫn yêu con. Từ trên Thánh giá, Giêsu đã đau trước nỗi đau của con rồi. Khi con cảm nhận nỗi đau rõ nhất, đó là lúc Giêsu chịu đóng đinh vì con.
- Dì! Con…
- Đừng nói gì cả. Dần dần rồi con sẽ hiểu. Dì cũng vậy.
- Nhưng phải chờ đến bao giờ?
- Con có biết, dì đã từng trách Chúa rằng, tại sao Ngài lại để cho những đau khổ này xảy ra nhưng Giêsu vẫn im lặng.
- Chẳng bao giờ con thấy Chúa trả lời con cả.
- Giêsu cũng lặng im khi bị sỉ vả, đánh dập, bị kết án nhục nhã và chịu đóng đinh trên Thánh giá. Nhưng có một âm thanh rất khẽ vang vọng từ trên ấy. Con có nghe thấy không?… Hãy tha cho họ.
- ...
- Từ đó Dì thôi trách Chúa.
- Tại sao Dì lại chọn ơn gọi này?
- Đó là huyền nhiệm. Dì chỉ biết, Giêsu mời gọi Dì dấn thân trên con đường này: Xoa dịu đi những nỗi đau và bất hạnh của những cô gái giống như con vậy. Chẳng ai xứng đáng để đón nhận tình yêu của Giêsu nhưng Ngài vẫn trao ban cách nhưng không. Bị môn đệ phản bội, Giêsu vẫn yêu họ đến cùng. Con có nghĩ đứa bé là một món quà Chúa ban không?
- …
- Có những món quà khi mới nhận, ta cảm thấy đau đớn, chỉ muốn vứt bỏ đi nhưng thời gian sẽ cho ta hiểu rằng, sự sống là một món quà đáng quý nhất. Không ai có quyền lấy đi mạng sống của người khác. Hơn nữa, con là một người mẹ. Hổ dữ cũng không ăn thịt con. Điều quan trọng là con đang nắm giữ món quà, con phải làm gì để món quà ấy trở thành niềm vui của mình.
- …
- Ngày xưa Dì cũng từng là đứa trẻ mồ côi nhưng bây giờ Dì không hề mồ côi. Giêsu là Cha của Dì.
Trước mảnh sân nhỏ, hai tâm hồn đồng điệu cùng hướng nhìn cây Thánh giá gỗ trên đồi cao. Ánh mắt ẩn chứa những thao thức cho phận người.
Mặt trời lên cao tỏa những tia nắng…
***
Trời đã nhá nhem. Đồi tràm khoác chiếc áo choàng màu đen. Quỳnh trở về ngôi nhà nhỏ, trên tay tràng chỗi vẫn lăn đều và chậm rãi từng lời kinh. Hương tràm vẫn quyện vào gió theo bước chân Quỳnh.
- Cô Quỳnh ơi! Cháu cho cô nè.
Bé Thanh năm tuổi con của chị Hường đang khấp khởi chạy tới, trên tay cầm một tấm ảnh nhỏ.
- Cái gì vậy Thanh?
- Là ảnh Đức Mẹ đó. Đẹp không cô?
- Ừ, đẹp lắm!
- Khi nào cô sinh em bé vậy ạ?
- Ừ sắp rồi. Sao cháu lại chạy ra đây?
- Dì bảo cháu ra đây gọi cô về ăn tối ạ! À, khi nào em bé đạp, cô cho cháu sờ bụng với nha. Cháu muốn nói chuyện với em lắm.
- Cháu thích em bé lắm à?
- Dạ.
- Ừ, vậy thì mình cùng về nha.
- Dạ.
Từ ngày Quỳnh vào đây, cô bé xinh xắn và dễ thương thường hay theo Quỳnh như cái đuôi. Có cô bé, Quỳnh thấy khuây khỏa. Ước muốn làm mẹ âm thầm len lỏi trong tâm hồn cô.
Men theo con đường mòn này, Quỳnh đã về đến nhà. Thật ra, đồi tràm cũng nằm trong khuôn viên của mái ấm nhưng cách căn nhà khoảng vài trăm mét.
Mỗi lần thấy Dì đứng trước đài Đức Mẹ, từ xa, Quỳnh ngắm Dì. Nhìn nét mặt đôn hậu, ánh mắt tràn đầy tình thương của Dì, Quỳnh thấy lòng mình ấm áp lạ thường. Ánh mắt ấy vẫn còn chất chứa những lo âu, trăn trở cho những con người Dì đang tận tâm phục vụ. Ẩn sâu bên trong ánh mắt ấy là một sự bình an và hạnh phúc. Phải chăng, Dì đã cảm nhận được khuôn mặt dịu hiền của Chúa Giêsu cách rõ nét.
Nơi mái ấm, không chỉ có Quỳnh mà còn có những cô gái khác, với những nỗi đau riêng nhưng họ đều được Dì tận tâm giúp đỡ và yêu thương bằng tình thương của một người mẹ. Dì giúp các cô học may, đan lát và thêu thùa. Những công việc tay chân giúp các cô khây khỏa. Có cái nghề trong tay, khi bước vào đời các cô có thể tự lo cho bản thân và cho con sau này.
Chắc hẳn, cũng có những lúc Dì chán nản và muốn bỏ cuộc, nhất là khi gặp phải những ca khó giống như trường hợp của Quỳnh. Nhìn lên Chúa, Dì lại đứng dậy, bước tiếp với lòng hăng say. Đã hơn một lần Quỳnh tự hỏi: ‘Tại sao một người phụ nữ như Dì lại bỏ cả tuổi thanh xuân để sống cho người khác. Dì là ai?”
Dì chính là một nữ tu Mến Thánh Giá đích thực.
***
Nghe tiếng khóc chào đời của con, Quỳnh vỡ òa niềm hạnh phúc. Đột nhiên, tiếng cười man rợ của kẻ đã hại cả đời Quỳnh cũng là kẻ đã vô tâm quẳng một mầm sống vào cung lòng của Quỳnh từ đâu lại vọng lên khiến cô kinh hãi. Cuộc vượt cạn khiến Quỳnh đuối sức, rồi cô thiếp đi.
Tỉnh dậy, Quỳnh nghe tiếng khóc của con vang lên bên tai. Đứa bé đang khát sữa nhưng Quỳnh lại quay mặt vào trong tường. Phải rồi, đứa bé là con của kẻ đã hại cả đời Quỳnh. Chiếc rào cản của hận thù một lần nữa lại trào lên khiến Quỳnh không thể vượt qua. Ôi, đứa bé vô tội! Nó khát sữa và cần dòng sữa ngọt ngào của mẹ biết bao! Tiếng khóc của nó khiến cho bao người phải xót xa.
Dì đứng bên, khẽ lay nhẹ đôi vai của Quỳnh: “Con xem, đứa bé kháu khỉnh và giống con chưa này? Con quay ra đây, cho nó bú chút sữa mẹ nào. Cu cậu khát sữa lắm rồi!”
Dì phải dỗ mãi, Quỳnh mới chịu cho con bú. Bản năng người mẹ trong Quỳnh trỗi lên, cô vụng về cho con uống những giọt sữa trắng đầu tiên.
Quỳnh thấy thương yêu đứa trẻ tội nghiệp này. Nỗi đau bị bỏ rơi lại khiến Quỳnh cắn rứt. “Một ngày nào đó, chẳng lẽ con mình cũng chịu chung số phận với mình sao?”
Trời đã về đêm. Nhìn ra của sổ của phòng bệnh, Quỳnh thấy một màu đen đặc như muốn tràn vào căn phòng nhỏ bé nhưng ánh sáng đã chặn đứng nó ở ngay bậc cửa. Gió thổi nhè nhẹ. Đứa bé ngủ say trong vòng tay của mẹ, đôi môi hồng chúm chím.
***
Những lần cho con bú, Quỳnh lại nghĩ đến một cái tên cho con. À phải rồi, cái tên Hoàng Nam quả thật rất ấn tượng. Quỳnh đã từng nghe kể về loài cây này. Dù bão tố của cuộc đời có vùi dập, cây Hoàng Nam vẫn vươn lên tận trời cao để đón lấy khí trời, để sống một sức sống mãnh liệt. Con trai của Quỳnh cũng sẽ là một chàng trai mạnh mẽ và luôn vươn lên như thế.
Dì đã tác động vào đời Quỳnh khiến cô bước sang một ngã rẽ hoàn toàn mới. Nếu như trước đây, Quỳnh chỉ là một cô gái dại khờ và chỉ luôn mong đợi một cái chết, Quỳnh muốn chết để kết thúc cuộc đời tăm tối và đau khổ này thì bây giờ, cô lại yêu quý và trân trọng sự sống bởi cuộc đời này đáng sống và đáng để cho cô trả ơn cuộc đời biết bao. Quỳnh không sống cho mình nữa nhưng sống cho đứa con của mình. Qua Dì, Quỳnh thấy Thiên Chúa vẫn thương yêu mẹ con Quỳnh nhiều lắm. Quỳnh sẽ báo tin cho bố mẹ và xin lỗi bố mẹ thật nhiều. Rồi Quỳnh sẽ được sà vào lòng mẹ như ngày còn bé.
Trong đêm, hương quỳnh thơm dịu...
***
- Alô. Tôi Tuấn đây. Xin hỏi, ai đầu dây bên kia vậy?
Người đàn ông đưa tay quệt mồ hôi, giọt nước mắt tự nhiên lăn xuống gò má đã đen sạm. Chiếc ba lô bạc màu nằm im trên vai. Người ta thấy một người đàn ông trung niên đang đưa tay làm dấu thánh. Con phố đầy nắng. Chiếc bóng đổ dài…
BẢN THỂ LỆ GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNGCập nhật cho cuộc thi lần thứ sáu - 2018
GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG được Ban mục vụ Văn hóa & Giáo dục Giáo phận Qui Nhơn thực hiện trong khuôn khổ dọn mừng kỷ niệm 400 năm Tin Mừng của Chúa đến với giáo phận Qui Nhơn (1618-2018), nhằm đào tạo cho Hội Thánh Việt Nam nhiều cây bút văn xuôi. Giải truyện ngắn này kéo dài từ năm 2012, và đã qua 5 cuộc thi. Cuộc thi lần thứ 6, năm 2018, sẽ là cuộc thi tổng kết.
Trước hết sẽ có phần tổng kết các bài dự thi và các bài đạt giải 5 năm qua về
+ Tài năng (Tác giả có nhiều bài đạt giải cao),
+ Nhiệt tình (Tác giả gởi nhiều bài dự thi và đạt giải liên tục nhiều năm),
+ Triển vọng (Tác giả trẻ tuổi nhất đạt giải nhiều lần nhất),
+ Phong trào (Những sáng kiến nhằm phát huy văn thơ Công giáo Việt Nam. (*)
Ngoài ra, cuộc thi lần thứ 6 có thêm một số mở rộng so với các năm trước, theo thể lệ, chủ đề và cơ cấu tưởng thưởng được ấn định như sau.
I. THỂ LỆ
1. Cuộc thi dành cho các bạn trẻ Công giáo, trong cũng như ngoài giáo phận Qui Nhơn, dưới 40 tuổi (năm dự thi – năm sinh theo sổ rửa tội ≤ 40). Người đã đạt giải một lần, có thể dự thi tiếp, dù đã hơn 40 tuổi. Các bạn trẻ dự tòng cần có chứng từ đang theo học giáo lý dự tòng.
2. Thể loại: Truyện ngắn, mỗi truyện không dài quá 4000 từ. Không nhận truyện phóng tác. Phải là sáng tác mới, chưa đăng báo, website hay blogs và chưa gửi dự thi ở bất cứ đâu.
3. Truyện lấy ý từ một tác phẩm khác, xin ghi rõ xuất xứ tác phẩm gốc. Nếu bị phát hiện sao chép của người khác hoặc dựng lại theo ý tác phẩm khác mà không ghi xuất xứ, sẽ bị loại.
4. Đề tài:
Theo định hướng mục vụ của Hội đồng Giám mục, cuộc thi lần VI, năm 2018, có 2 chủ đề:
- “Gia đình tín hữu Kitô giữa những thách đố ngày nay”.
- “Sống công bằng, hòa thuận, quý trọng mọi người và quên mình vì ích chung”.
Ngoài ra, quý tác giả cũng có thể tham gia với những tác phẩm về các chủ đề khác của Kitô giáo.
5. Không hạn chế số lượng bài dự thi của cùng một tác giả. Những tác giả có từ 5 bài trở lên được vào chung khảo sẽ nhận được những phần thưởng đặc biệt, đồng thời sẽ khuyến khích tập hợp thêm những truyện khác của mình để in thành những tuyển tập riêng trong Tủ sách Nước Mặn.
6. Mỗi tác giả có thể gửi chung một lần hoặc nhiều lần.
7. Chỉ nhận bài dự thi qua điện thư email, gửi attach file với định dạng .doc hoặc .docx, không nhận bài gửi qua đường bưu điện.
8. Đầu bài dự thi phải ghi rõ: tên thánh, họ và tên, bút danh, năm sinh, rửa tội tại đâu, năm nào, địa chỉ nhà, giáo xứ, giáo phận, số điện thoại liên lạc, địa chỉ email. Dù đã gửi nhiều email dự thi, đầu mỗi bài đều cần ghi như thế. Những bài thiếu các chi tiết này sẽ không được nhập hồ sơ dự thi.
9. Nội dung mỗi bài dự thi sẽ được nhập hồ sơ theo lần gửi đầu tiên, mọi chỉnh sửa về sau đều không được chấp nhận.
11. Thời gian nhận bài: trước ngày 01-3-2018.
12. Tưởng thưởng: Sẽ có 06 giải thưởng chính thức và 15 giải triển vọng, theo cơ cấu và sinh hoạt như sẽ nói dưới đây.
13. Kết quả cuộc thi dự kiến sẽ được công bố ngày 15-8-2018
14. Lễ trao giải vào ngày 22-9-2018.
15. Những tác giả được vào chung khảo mà không đạt giải sẽ được hỗ trợ một phần tiền xe về dự ngày họp mặt trao giải.
16. Các thông tin về cuộc thi sẽ được đăng trên www.tapsanmucdong.net, www.vanthoconggiao.net,www.http://gpquinhon.org/q/, https://www.facebook.com/groups/vanthoconggiao/ và những trang mạng ủng hộ chương trình này.
17. Các tác phẩm đạt giải sẽ được in thành tuyển tập do Ban Tổ Chức giữ bản quyền.
II. TƯỞNG THƯỞNG
Cơ cấu giải thưởng
Sẽ có 6 giải thưởng chính thức và 15 giải triển vọng.:
- một giải nhất: 20.000.000 $VN
- hai giải nhì, mỗi giải 12.000.000 $VN
- ba giải ba, mỗi giải 8.000.000 $VN
- 15 giải triển vọng, mỗi giải 3.000.000 $VN
Tuyển tập truyện ngắn riêng
Ngoài phần thưởng bằng tiền mặt, những tác giả đạt giải, nếu có nhiều truyện khác có giá trị, sẽ được Tủ Sách Nước Mặn hỗ trợ xuất bản một tuyển tập riêng dưới 200 trang với những truyện ngắn mang nội dung Kitô giáo.
Những tác giả không đến dự lễ trao giải sẽ chỉ được nhận 50% tiền giải thưởng và không được hỗ trợ in tuyển tập riêng. Những tác giả chỉ dự lễ trao giải mà không tham gia hành hương 22-9 chỉ được nhận 75% tiền giải thưởng, nhưng vẫn được hỗ trợ in tuyển tập riêng.
III. TƯỞNG THƯỞNG DÀNH CHO ĐỘC GIẢ
Những độc giả giúp phát hiện đầu tiên những bài dự thi sao chép của người khác (xin ghi rõ xuất xứ bài gốc) sẽ được tặng quà lưu niệm đồng thời được hỗ trợ tiền xe về dự họp mặt trao giải và hành hương “dấu chân Hàn Mạc Tử”.
Ban Tổ Chức chân thành biết ơn sự giúp đỡ của các ân nhân. Các hỗ trợ tiền bạc hoặc hiện vật cho cuộc thi xin gửi về: Linh mục Võ Tá Khánh, 116 Trần Hưng Đạo, TP Qui Nhơn – Email: [email protected], [email protected] – Điện thoại: 0935-424-449.
Qui Nhơn, ngày 15-8-2017
TRƯỞNG BAN TỔ CHỨC
Lm Gioan Phêrô Võ Tá Khánh (Trăng Thập Tự)
Trưởng Ban MV Văn hóa & Giáo dục Giáo phận Qui Nhơn
(*) Sẽ có một văn bản bổ sung qui định rõ về các phần thưởng tổng kết. Nếu quý độc giả và quý tác giả thấy nên có thêm những điều gì khác cần được tưởng thưởng để đẩy mạnh công cuộc tìm kiếm và đào tạo tài năng văn chương cho Giáo hội Việt Nam, xin góp ý trước 31-10-2017 để Ban Tổ chức có thể kịp đưa vào văn bản bổ sung dự kiến sẽ công bố vào giữa tháng 11.
0 Nhận xét