Banner cột chính

Sống đẹp lòng Chúa

Tìm Hiểu Từ Hán Việt

Maria Têrêxa Nguyễn Thị Thắm-Giảng viên Đại học Quy Nhơn


Thân mến chào các bạn!

Chúng mình là anh em nhà “Từ Hán-Việt”. Trước tiên chúng mình xin cảm ơn chuyên mục “Tìm hiểu vốn từ Hán-Việt” của Mục Đồng đã cho chúng ta cơ hội được làm quen với nhau. Và cũng cảm ơn các bạn đã đến với chuyên mục này. Hy vọng chúng ta trở thành bạn tốt của nhau.

Chúng mình xin được giới thiệu một chút nhé. Chúng mình đã được sinh ra từ cách đây lâu lắm rồi, từ cuối thời nhà Đường (Trung Quốc) cơ. Quê nội chúng mình ở Trung Quốc xa xôi, nhưng chúng mình lại được sinh ra trên quê ngoại là đất nước Việt Nam thân yêu và tươi đẹp. Cha của chúng mình là “chữ Hán”(1), mẹ chúng mình là “âm tiếng Việt”. Người ta dùng âm tiếng Việt đọc chữ Hán(2), và thế là chúng mình đã được sinh ra! Chúng mình đóng góp khoảng 70% trong vốn từ mà các bạn đang sử dụng đấy. Vậy nên việc làm quen này quả thật là cần thiết đúng không nào?

Trong buổi làm quen đầu tiên này, chúng ta cùng tìm hiểu về những anh chị em đã rất thân quen với các bạn mà có thể các bạn chưa hiểu hết. Đó là các anh chị em trong nhóm “Tên gọi của từ loại”.

Vậy trước tiên chúng ta làm rõ “từ loại” là gì nhé. “Loại” tức là thể loại. “Từ loại” được hiểu là “thể loại của từ”. Mỗi loại từ ứng với một tên gọi, đặc điểm và chức năng ngữ pháp riêng. Chắc các bạn đã nghe tên nhiều loại từ như:

…………………………………………..
(1) Chữ Hán ở Việt Nam còn được gọi là chữ Nho, vì được dùng để truyền bá đạo Nho của Khổng Tử
(2) Thực ra có nhiều cách định nghĩa về từ Hán Việt, trên đây chỉ là một trong các định nghĩa ấy

Danh từ, đại từ, động từ, tính từ, phó từ (phụ từ), giới từ, số từ, liên từ…Hôm nay chúng ta sẽ làm quen trước với các từ loại thường gặp là danh từ, đại từ, động từ, tính từ đã nhé.

1. Chúng ta sẽ bắt đầu với “danh từ”. “Danh” tức là danh xưng, có nghĩa là tên gọi. “Danh từ” có nghĩa là từ dùng để gọi tên của người hoặc sự vật, hiện tượng... Ví dụ “bút” là từ để chỉ tên gọi của những vật dùng mực để viết ra chữ. Danh từ được chia ra nhiều loại nhỏ hơn như: danh từ chỉ người (cô giáo, học sinh…), chỉ vật (bàn, ghế…), chỉ nơi chốn (nhà trường, thư viện, Quy Nhơn…), chỉ thời gian (sáng, trưa, thứ Ba, tháng 7…), chỉ đơn vị (quyển, cái, chiếc…) v..v...
Căn cứ vào cách gọi tên chung cho các sự vật hay riêng cho từng sự vật mà danh từ còn được chia làm hai loại là danh từ chung và danh từ riêng. Danh từ chung để chỉ tên gọi của những vật thuộc cùng một loại, như “nhà thơ”, “tác phẩm”, “đất nước”… Danh từ riêng còn gọi là tên riêng là từ chỉ tên gọi riêng biệt của từng sự vật riêng lẻ, như “Nguyễn Du”, “Truyện Kiều”, “Việt Nam”… Ngoài ra cũng có một cách chia khác, đó là chia danh từ thành danh từ cụ thể và danh từ trừu tượng. Danh từ cụ thể là những danh từ gọi tên các sự vật có thể nghe thấy, nhìn thấy, sờ thấy hoặc ngửi thấy nếm được, nói chung là cảm nhận được bằng các giác quan (mắt, mũi, tai, lưỡi, da) như: sông, núi, ruộng, đồng, sách, vở, trường học…Danh từ trừu tượng ngược lại với danh từ cụ thể, đó là những từ chỉ sự vật không thể cảm nhận bằng các giác quan mà chúng ta cảm nhận bằng suy nghĩ, ví dụ: lý tưởng, tinh thần, đạo đức, hòa bình, niềm vui, nỗi buồn, tình yêu, lòng mến…
2. “Đại từ”. Theo các bạn thì “đại” có nghĩa là gì nhỉ? Thể nào cũng có bạn nghĩ “đại” tức là “to”, “lớn” cho mà xem. Cách nghĩ này không đúng đâu nhé. Ở đây, “đại” tức là “đại diện”, có nghĩa là “thay mặt”, “thay thế”. “Đại từ” là những từ dùng để thay thế cho danh từ (cụm danh từ), động từ (cụm động từ), tính từ (cụm tính từ) và số từ. Ví dụ: “nó”, “tôi”, “ông ấy”, “bà ấy”, “đó”, “đây”, “này”, “gì”, “nào”, “bao nhiêu”, “sao”…Đại từ được chia ra làm sáu loại chính, đó là:

a. Đại từ nhân xưng (còn gọi là đại từ chỉ ngôi). “Nhân” là “người”, “xưng” là “xưng hô”. Đại từ nhân xưng là những từ thay thế cho các danh từ chỉ người, được dùng để xưng hô trong hoạt động giao tiếp của con người. Đại từ nhân xưng được chia ra làm ba ngôi. Ngôi thứ nhất chỉ người nói hoặc bao gồm người nói như: tôi, tớ, mình, tao, ta, chúng tôi, chúng tao, chúng ta… Ngôi thứ hai chỉ người nghe như: anh, cậu, bạn, mày, mi, các cậu, các bạn, bọn mày, tụi bay… Ngôi thứ ba chỉ đối tượng ngoài người nói và người nghe, như: nó, anh ấy, cô ấy, ông ấy, bà ta, chúng nó, họ, bọn họ… Đối với những đại từ dùng cho sự vật (đa số là từ “nó”) thì được gọi là “đại từ vật xưng”, tuy nhiên để tiện cho việc phân loại và ghi nhớ, người ta ghép chung trong đại từ nhân xưng. Ví dụ:

(1) Tôi tên là Hoa.
(2) Quyển sách của bạn đây.
(3) Tập truyện của tôi lúc nãy ở đây mà. Ai mang nó đi đâu rồi?

Chú ý: Bên cạnh các đại từ chỉ ngôi, người Việt ta còn dùng hàng loạt danh từ chỉ người như: cụ, ông, bà, anh, chị, em, bạn, đồng chí… để xưng hô.
b. Đại từ nghi vấn. “Nghi” tức là “nghi ngờ”, có nghĩa là chưa biết rõ, “vấn” là hỏi; “nghi vấn” có nghĩa là thông qua việc hỏi để biết rõ. Đại từ nghi vấn là loại từ chuyên dùng để hỏi, chỉ xuất hiện trong câu nghi vấn. Đại từ nghi vấn gồm: ai, gì, đâu, nào, bao giờ, lúc nào, sao, bao nhiêu, mấy… Ví dụ:
(1) Bạn có biết ai là người nhỏ tuổi nhất được đăng bài trong Hoa Rừng 1 không ? (Chính là bạn Têrêxa Trần Nguyễn Vy Xuyên đó.)
(2) Cái này bao nhiêu tiền?
(3) Con đi, bao giờ con về?
(4) Bạn sao rồi?
c. Đại từ phiếm chỉ. “Phiếm” có nghĩa là “phạm vi rộng”, “chung chung”. Đại từ phiếm chỉ là loại từ dùng để chỉ chung chung cho các sự vật mà không chỉ rõ một đối tượng cụ thể nào. Chúng là những đại từ giống với đại từ nghi vấn nhưng được dùng trong câu kể (bao gồm cả hai thể khẳng định và phủ định), đó là: ai, bao nhiêu, bấy nhiêu, cái gì, sao, nào… Ví dụ:

(1) Bạn nói sao thì tôi biết vậy.
(2) Việc đó ai mà chẳng làm được.
(3) Bài toán đó dễ nên bạn nào cũng làm được.
(4) Tính bạn Lan dễ lắm, sao cũng được.
d. Đại từ chỉ định: Là những từ dùng để chỉ trỏ vào vật, như: này, nọ, kia, đây, đó, nay, ấy… Ví dụ:
(1) Bài thơ này của bạn Kha viết.
(2) Đây là tập thơ thứ hai của chúng tôi.
e. Đại từ thay thế (thường dùng để thay thế cho hoạt động hoặc tính chất), như: thế, vậy…
(1) Ba tôi rất thích xem bóng đá, tôi cũng vậy. (“thế” thay cho “ rất thích xem bóng đá”)
(2) Bạn lại thế rồi.
f. Đại từ chỉ lượng, dùng để thay thế cho toàn bộ số lượng được nhắc đến, như: toàn bộ, hết thảy, cả, bấy nhiêu,…
(1) Nghe tin tập thơ đầu tay sắp được in ra, hết thảy chúng tôi đều vui mừng khôn tả.
(2) Mỗi ngày nó bớt ra một nghìn đồng để cho cô bé. Bấy nhiêu thôi cũng đủ làm cô bé ấm lòng.
3. “Động từ” thì sao? “Động” tức là hoạt động, động tác, hành động đấy. Như vậy “động từ” là từ dùng để chỉ động tác, hành động hoặc trạng thái hay quá trình vận động của sự vật. Động từ cũng được chia ra làm nhiều loại, như:
- Động từ chỉ hoạt động: bay, nhảy, cắt, xây…
- Trạng thái : Ngủ, ngồi, xuất hiện, yêu, kính trọng, thích, hiểu (bài), biết (tiếng anh)
- Hoạt động sai khiến: sai (em mua giấy); bắt (phải đi ngủ); bảo, giúp (đỡ), rủ, khuyên…
- Hoạt động suy nghĩ nói năng, nhận thức: tưởng (mẹ về); biết (bạn đến), nói, thấy, xem…
Ngoài ra động từ có thể được chia thành động từ có động tác và động từ không có động tác. Ví dụ như: “đi ”, “đứng”, “mặc”, “ở”…là động từ có động tác; “có”, “còn”, “hết”, “mất”, “nhớ”, “nghĩ”, “yêu”, “ghét”… là những động từ không có động tác.
4. “Tính từ”. “Tính” tức là “tính chất”, “thuộc tính”. Tính từ là những từ chỉ ý nghĩa đặc điểm hoặc tính chất (màu sắc, hình dáng, kích thước, trọng lượng, dung tích, phẩm chất) của sự vật, hiện tượng hoặc hoạt động, trạng thái… Ví dụ:
* Chỉ màu sắc: xanh , đỏ, tím…
* Chỉ hình dáng: tròn, méo, ngoằn nghèo…
* Chỉ kích thước: dài, ngắn, to, nhỏ, cao, thấp…
* Chỉ trọng lượng, dung lượng: nặng, nhẹ, ít, nhiều…
* Chỉ phẩm chất: tốt, xấu, sạch, bẩn, xinh đẹp, thông minh…
* Chỉ tình trạng: yên tĩnh, ồn ào, lạc hậu, phát triển, văn minh, khỏe, yếu…
Tính từ cũng có thể có nhiều cách phân loại, trong đó được chia thành hai loại: Tính từ đánh giá được về mức độ ( còn gọi là tính từ thường) và tính từ không đánh giá về mức độ (còn gọi là tính từ tuyệt đối).
a) Tính từ thường. Tính từ này có thể dùng kèm với từ chỉ mức độ: rất, hơi, quá, lắm. Vd:
* Điểm mười của lớp hơi ít.
* Bạn Nam là người bạn rất tốt.
b)Tính từ tuyệt đối.Tính từ này không thể đi kèm với những từ chỉ mức độ. Vd: đỏ au, vàng khè, vuông vắn, xinh xắn, nhiều nhặn, nhẹ tênh, ngoan ngoãn, tốt tươi…
Như vậy, trong buổi đầu gặp gỡ chúng ta hãy làm quen như thế đã nhé. Lần gặp gỡ tiếp theo chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về “Tên gọi của các thành phần câu”. Hy vọng những điều thú vị sẽ chờ chúng ta ở những số sau. Còn bây giờ là một số bài tập cho các bạn nè:
Bài tập 1: Hãy tìm trong bài viết này 20 từ tương ứng với những từ loại vừa nêu.
Bài tập 2: Viết một đoạn văn hoặc thơ ngắn, trong đó có sử dụng các từ loại vừa nêu.
Bài tập 3: (Bài tập chuẩn bị) Cho biết câu có thể có mấy thành phần ngữ pháp? Tên gọi của chúng? Mỗi thành phần câu được giải thích như thế nào và ở những vị trí nào trong câu.


Đăng nhận xét

0 Nhận xét