Banner top

Banner cột chính

Sống đẹp lòng Chúa

Tên gọi của các thành phần câu

Maria Têrêxa Nguyễn Thị Thắm – Giảng Viên Đại học Quy Nhơn

Xin chào các bạn thân mến! Thật vui mừng là chúng ta lại được gặp nhau. Không biết các bạn có quên chúng mình không nhỉ. Còn chúng mình thì nhớ các bạn lắm, chỉ mong đến khi lại được gặp các bạn thôi. Các bạn có khỏe không? Đã lâu không gặp mình tin các bạn đã có rất nhiều tiến bộ và đã lập được thêm nhiều thành tích mới. Ngoài ra mình cũng tin thể nào mình cũng được làm quen thêm một số bạn mới nữa. Nếu vậy mình sẽ vui mừng biết mấy.
Như đã hẹn từ lần trước, rằng trong số này anh em “Tên gọi của các thành phần câu” nhà chúng mình sẽ đại diện để tiếp chuyện các bạn. 
Như các bạn đã biết, trong Tiếng Việt, câu được phân tích ra thành nhiều thành phần, trong đó có những thành phần chính và những thành phần phụ. Thành phần chính của câu gồm chủ ngữ và vị ngữ. Thành phần phụ của câu gồm trạng ngữ, bổ ngữ, và định ngữ. Ngoài ra khi học tiếng Anh chúng ta còn nghe nhắc đến một thành phần nữa, đó là “tân ngữ”. Sau đây chúng ta sẽ lần lượt được làm quen với từng tên gọi một nhé. 
1. Chủ ngữ
Từ “chủ” các bạn chắc đã từng nghe trong nhiều từ như “chủ nhân”, “chủ nhà”, “chủ động”, “chủ đề”, “chủ quyền”… Các cách hiểu trên đều có phần nào đúng, tuy nhiên hiểu chính xác “chủ” ở đây là “chủ yếu”, có nghĩa là “chính” (từ “chủ” trong từ “chủ đề” cũng cùng nghĩa này đấy). Ngoài ra “chủ” ở đây còn có nghĩa là “dẫn đầu”, (như trong từ “chủ mưu”). Còn “ngữ”? “Ngữ” là để chỉ thành phần câu, chứ không có nghĩa là “cụm từ” như khi xuất hiện trong các từ “danh ngữ” (cụm danh từ), “tính ngữ” (cụm tính từ), “động ngữ” (cụm động từ), các bạn nhớ nhé. “Chủ ngữ” có nghĩa là thành phần chủ yếu nhất của câu, nêu người hay sự vật làm chủ sự việc trong câu. Chủ ngữ được nêu lên trước, dùng trả lời câu hỏi: Ai? Cái gì? Con gì? Việc gì? Sự vật gì? Hay nói cách khác để xác định thành phần chủ ngữ trong câu thì chúng ta dùng “ai”, “cái gì”, “con gì”, “việc gì”, “sự vật gì”... đặt ở đầu câu để hỏi. Ví dụ, để xác định chủ ngữ trong câu “Tôi là người công giáo.” thì chúng ta đặt câu hỏi “Ai là người công giáo?”.
Trong một câu có thể có một chủ ngữ, cũng có thể có nhiều chủ ngữ. Trong trường hợp chủ ngữ đã được nói tới hoặc đã được hiểu thì có thể được tỉnh lược. Ví dụ A hỏi B: “Hoa đi đâu rồi?”, B trả lời “Đi thư viện.” thì chúng ta vẫn hiểu được là “Hoa” đi thư viện chứ không phải ai khác vì chủ ngữ “Hoa” đã được nhắc đến ở câu hỏi. Trường hợp khác khi nói “Mưa!” thì ai cũng hiểu là “Trời mưa.” vì ai cũng biết chỉ có “Trời” mới “mưa” được.
Chức vụ chủ ngữ trong câu phần nhiều do danh từ (hoặc cụm danh từ) và đại từ đảm nhận. Các loại từ khác, như tính từ và động từ cũng có khi làm chủ ngữ, trong trường hợp này, tính từ và động từ được hiểu như một danh từ.
Ví dụ:
(1) Chúa là đấng chúng ta phải tôn thờ trên hết mọi sự. (danh từ riêng làm chủ ngữ)
(2) Giáo xứ Cây Rỏi có nhiều bạn có bài đăng trong tuyển tập Hoa Biển. (cụm danh từ làm chủ ngữ)
(3) Học tập là quyền lợi đồng thời là nghĩa vụ của mỗi chúng ta. (động từ làm chủ ngữ, được hiểu là “việc học tập”)
(4) Tôi yêu mến các bạn. (đại từ làm chủ ngữ)
(5) Tốt khoe, xấu che. (câu có hai chủ ngữ do hai tính từ đảm nhận)

2. Vị ngữ
Vị ngữ cũng là một thành phần chính của câu nhưng đứng sau chủ ngữ. Không biết liệu có bạn nào đoán được “vị” ở đây có nghĩa là gì không nhỉ. Có lẽ là hầu hết các bạn chưa biết. “Vị” có nghĩa là “nói”, “nói lên” (tức là chỉ ra) hoặc “gọi tên”/ “coi như là”. “Vị ngữ” là thành phần chỉ ra, nói rõ cho chúng ta biết về hoạt động, trạng thái, tính chất… để miêu tả hoặc nhận xét về người, sự vật được nêu ở chủ ngữ . Để xác định vị ngữ trong câu chúng ta dùng “là ai/ là cái gì”, “như thế nào”, “làm gì”… đặt sau chủ ngữ để tạo thành câu hỏi. Ví dụ: với câu “Chúng tôi học bài.” thì chúng ta sẽ xác định vị ngữ bằng cách “Các bạn làm gì?”; hoặc như với câu “Tập thơ Hoa rừng rất thú vị.” khi muốn xác định vị ngữ thì câu hỏi được đặt ra là “Tập thơ Hoa Rừng như thế nào?”
Vị ngữ của câu thường do động từ (hoặc cụm động từ), tính từ (hoặc cụm tính từ), cụm chủ - vị, cũng có thể do danh từ (cụm danh từ hoặc từ ngữ mang tính danh từ) đảm nhận. Cũng giống như thành phần chủ ngữ, trong một câu có thể có một vị ngữ hay nhiều vị ngữ, cũng có thể được tỉnh lược. Các bạn hãy xem các ví dụ sau:
(1) Hoa nở. (động từ làm vị ngữ)
(2) Hoa đang nở. (cụm động từ làm vị ngữ)
(3) Nắng vàng. (tính từ làm vị ngữ)
(4) Nắng vàng tươi như mật ong. (cụm tính từ làm vị ngữ)
(5) Hôm nay thứ Ba. (danh từ làm vị ngữ)
(6) Ba tôi đã 70 tuổi rồi. (cụm danh từ làm vị ngữ)
(7) “- Nó đâu?”/ “- Nó kia.” (đại từ và chỉ từ làm vị ngữ)
(8) Loài hoa này màu sắc rất đẹp nhưng mùi không thơm. (“màu sắc rất đẹp” và “mùi không thơm” là hai cụm chủ - vị làm vị ngữ, trong đó “màu sắc” và “mùi” là hai chủ ngữ bộ phận, “rất đẹp” và “không thơm” là hai vị ngữ bộ phận)

3. Định ngữ
Với cụm từ “định ngữ”, “định” tức là “xác định” (từ “xác định” ở đây có nghĩa là chỉ rõ ra). “Định ngữ” là thành phần bổ sung nói, rõ nghĩa cho danh từ  về thuộc tính, chất liệu, tính chất, đặc trưng, mối quan hệ, số lượng hoặc để chỉ định… nhằm phân biệt giữa danh từ này và danh từ khác hoặc chỉ ra đặc tính riêng mang tính cố định của sự vật. Danh từ được bổ nghĩa được gọi là danh từ trung tâm. Sự kết hợp giữa danh từ và định ngữ để tạo nên cụm danh từ (Nhớ nhé các bạn, “cụm” thôi chứ chưa phải là câu nhé!). Định ngữ thường do danh từ, đại từ, tính từ, số từ, đôi khi cũng có thể do động từ đảm nhiệm. Nó có thể là một từ, một cụm từ hoặc một cụm chủ vị. Định ngữ chỉ số, lượng (hoặc ngữ số lượng) sẽ đứng trước danh từ; định ngữ chỉ tính chất, đặc trưng, quan hệ, sở hữu, thuộc tính, chỉ định… sẽ đứng sau danh từ.
Ví dụ:
(1) hai người (số từ “hai” làm định ngữ)
(2) ba quyển vở (số từ “ba” kết hợp với danh từ chỉ lượng “quyển” làm thành một cụm số - lượng làm định ngữ)
(3) giày da (“da” là danh từ chỉ chất liệu làm định ngữ nhằm giúp phân biệt với giày vải hoặc loại giày bằng chất liệu khác)
(4) người tốt (tính từ chỉ tính chất làm định ngữ, giúp phân biệt với “người xấu”)
(5) ba tôi (“tôi” là đại từ nhân xưng làm định ngữ chỉ quan hệ, “ba tôi” khác với “ba anh” hay “ba bạn ấy”)
(6) sách của tôi (“của tôi” là định ngữ chỉ sự sở hữu)
(7) cây xanh (tính từ chỉ màu sắc làm định ngữ, chỉ đặc tính cố định chứ không nhằm phân biệt với “cây vàng”, “cây đỏ”…)
(8) xe máy (danh từ “máy” chỉ thuộc tính làm định ngữ, chỉ ra rằng không phải “xe đạp” hay “xe ô-tô”)
(9) mỳ kiểu Ý/ bánh mì Pháp/ tóc ngắn/ tóc ngang vai (“xào kiểu Ý”, “Pháp”, “ngắn”, “ngang vai” đều là những từ ngữ chỉ ra đặc trưng của sự vật)
(10) tóc nhuộm/ cơm chiên/ nước mua/ mực nướng than… (định ngữ chỉ thuộc tính do động từ đảm nhiệm)
(11) cái áo này (“cái” để chỉ lượng, “này” để chỉ định nhằm phân biệt với “kia”)
(12) sách bạn tặng/ cơm mẹ nấu (“bạn tặng” và “mẹ nấu” là hai cụm chủ vị làm định ngữ)

Lại xem ví dụ khác:
(13) Đây là chiếc bánh sinh nhật đầu tiên tôi tự làm lấy.
(14) Nước Việt Nam yêu quý của chúng ta không chỉ có rừng vàng biển bạc mà còn có những con người yêu lao động.
Hai ví dụ (12) và (13) trên đây cho ta thấy định ngữ thực ra không chỉ có một mà có thể có nhiều định ngữ cùng tu sức cho một danh từ, đồng thời trong một câu có thể có nhiều cụm danh từ. 
Khi trong câu xuất hiện nhiều định ngữ thì thứ tự sắp xếp thường là:
Cách 1: LT + DTTT + CL + ĐT/TT + MS/ĐT + C-V + NC + TG + CĐ
Cách 2:   LT + DTTT + CL + ĐT/TT + MS/ĐT + SH + C-V + TG + CĐ
Trong đó: 
- LT: lượng từ, tức danh từ chỉ lượng (cái, chiếc, tập, cuốn…)
- DTTT: danh từ trung tâm
- CL: chất liệu
- ĐT/TT: tính từ chỉ đặc tính/ thuộc tính (dài, ngắn, cao, thấp, máy, điện…)
- TTMS: tính từ chỉ màu sắc (xanh/xanh lam, đỏ/đỏ đậm, tím/ tím nhạt…)
- ĐT: động từ
- C-V: cụm chủ-vị 
- NC: danh từ chỉ nơi chốn (trong nhà, trên bàn, ở Trung Quốc…)
- TG: danh từ thời gian
- SH: Sở hữu (của tôi, của anh ấy, của trường…)
- CĐ: đại từ chỉ định
Ví dụ:
(1) Trong số quần áo tôi có, tôi thích nhất cái áo khoác da dài (màu) đỏ (mà) tôi mua ở Trung Quốc năm ngoái này.
(2) Con mèo đen của nhà bạn Nam tôi mới xin hôm qua ấy bỏ đi mất rồi. 

4. Bổ ngữ
Khi nói đến bổ ngữ, không biết các bạn có hiểu nghĩa của nó không? Mình chắc là một số bạn đoán được nghĩa của từ này. “Bổ” tức là bổ sung, nghĩa là phụ trợ, thêm vào . Bổ ngữ là thành phần bổ sung nói rõ nghĩa cho động từ, tính từ để tạo thành cụm động từ hoặc cụm tính từ (vẫn là “cụm” chứ chưa phải “câu” nhé). Khi bổ sung nghĩa cho động từ thì bổ ngữ nói rõ về đối tượng, khoảng thời gian, nơi chốn (không gian), xu hướng, cách thức, kết quả, mức độ… của hành vi, động tác, trạng thái… Khi bổ sung nghĩa cho tính từ thì bổ ngữ nhằm nói rõ về đối tượng, trạng thái, mức độ… của tính chất nào đó. Về vị trí bổ ngữ có thể đứng trước hoặc đứng sau động từ, tính từ. 
Ví dụ:
- Bổ ngữ và động từ:
(1) ăn cơm (“cơm” là bổ ngữ chỉ đối tượng của động tác “ăn”)
(2) ăn một tiếng đồng hồ (“một tiếng đồng hồ” là khoảng thời gian tiến hành của động “ăn”)
(3) ăn ở trong phòng (“ở trong phòng” chỉ ra vị trí “ăn” )
(4) ăn đũa/ ăn bốc (“đũa”, “bốc” là bổ ngữ chỉ phương tiện tiến hành động tác “ăn”)
(5) ăn ngồi/ ăn đứng (“đứng”, “ngồi” là bổ ngữ chỉ cách thức tiến hành động tác “ăn”)
(6) đi ra/ đặt vào/ nhấc lên/ đặt xuống… (“ra”, “vào”, “lên”, “xuống” biểu thị xu hướng tiến hành của các động tác)
(7) làm xong/ làm chưa xong/ viết thành một cuốn sách (“xong”/ “chưa xong” là kết quả của động tác “làm”; “thành một cuốn sách” là kết quả của hành động “viết”)
(8) rất thích/ nhớ quá/ thuộc làu (“rất”, “quá”, “làu” là bổ ngữ biểu thị mức độ)
- Bổ ngữ và tính từ:
(9) hơi ngắn/ rất đẹp/ tốt lắm/ hay quá/ ngon tuyệt/ giỏi cực kỳ (“hơi”, “rất”, “lắm”, “quá”, “tuyệt”, “cực kỳ” chỉ mức độ cho các tính từ đi kèm)
(10) đỏ thẫm/ đen sì/ xanh ngắt/ sáng trưng (“thẫm”, “sì”, “ngắt”… biểu thị mức độ của các màu sắc, nhưng là mức độ tuyệt đối, trước tính từ không thể thêm từ chỉ mức độ khác)
(11) nhiều người/ rẻ tiền / xa trường/ gần tết (“người”, “tiền”, “trường”, “tết” là bổ ngữ chỉ đối tượng của các tính từ trước đó)
(12) đẹp như tiên/ đỏ hơn gấc ( “như tiên”, “hơn gấc” là bổ ngữ biểu thị nghĩa so sánh cũng nhằm chỉ mức độ của tính chất)
(13) mập lên/ đẹp ra/ xấu đi (“lên”, “ra”, “đi” là bổ ngữ trạng thái nói rõ về sự biến đổi của tính chất)

5. Trạng ngữ
Khi nói đến trạng ngữ Trạng ngữ là thành phần phụ của câu, bổ sung cho nòng cốt câu, tức là bổ nghĩa cho cả cụm chủ vị trung tâm, về thời gian , địa điểm nơi chốn, mục đích, phương tiện, cách thức… để biểu thị các ý nghĩa tình huống: thời gian, địa điểm, nguyên nhân, mục đích, kết quả, phương tiện… Các bạn có thể đã thường nghe từ “trạng thái”, “thực trạng”, “tình trạng” rồi nhỉ. Từ “trạng” trong “trạng ngữ” có vẻ như có nghĩa này, tuy nhiên nghĩa của từ “trạng” ở đây là “mô tả”, “trần thuật” các bạn ạ. Trạng ngữ thuật rõ (chỉ ra rõ) cho chúng ta biết về thời gian. Trạng ngữ có thể là một từ, một ngữ hoặc một cụm chủ vị. Trạng ngữ có thể đứng đầu câu, giữa câu hoặc cuối câu. Trong đó, trạng ngữ thời gian có đủ ba vị trí, nhưng khi đứng cuối câu thường là thời gian quá khứ.
Ví dụ:
(1) Khi nào bạn đi Hà Nội? 
(2) Bạn khi nào đi Hà Nội? 
(3) Bạn đi Hà Nội khi nào? 
Rõ ràng với câu (3) “khi nào” để hỏi về sự việc của quá khứ. Một ví dụ khác, chúng ta có thể nói: “Ngày mai tôi đi Hà Nội.” hoặc “Tôi ngày mai đi Hà Nội” nhưng không thể nói “Tôi đi Hà Nội ngày mai.” mà chỉ có thể nói “Tôi sẽ đi Hà Nội vào ngày mai.”
Lại xem các ví dụ khác:
(4) Với giọng nói từ tốn, nó phân tích cho chúng tôi nghe đúng sai ra sao. (“với giọng nói từ tốn” là trạng ngữ chỉ cách thức, nói rõ về cách thể hiện sự lịch sự, bình tĩnh, có lễ độ)
(5) Trước cổng trường, các bạn nhỏ đang sắp hàng ra về trong trật tự. (“trước cổng trường” là trạng ngữ chỉ địa điểm.)
(6) Để xứng đáng là con cái Chúa, chúng ta phải sống trọn giới răn mến Chúa yêu người. (“để xứng đáng là con cái Chúa”là trạng ngữ chỉ mục đích)
(7) Chúa đã chết trên thập giá vì tội lỗi chúng ta. (“vì tội lỗi chúng ta” là trạng ngữ chỉ nguyên nhân)
(8) Con phải đứng trên đôi chân của mình, đừng dựa dẫm vào người khác. (“trên đôi chân của mình” chỉ phương tiện để tiến hành động tác “đứng”)
6. Tân ngữ
Tân ngữ là khái niệm không có trong tiếng Việt mà chỉ có ở các thứ tiếng khác, như tiếng Anh chẳng hạn. Không biết các bạn đã nghe từ “quầy lễ tân” (ở khách sạn) hay từ “tiếp tân” chưa? Hoặc như ông bà ta có câu “Vợ chồng tương kính như tân.” Thế các bạn có hiểu “tân” ở đây nghĩa là gì không nào? Tân tức là “khách” đấy các bạn ạ. “Tiếp tân” tức là tiếp khách, “vợ chồng tương kính như tân” nghĩa là vợ chồng kính trọng nhau như đối với khách vậy. Và từ “tân” trong từ “tân ngữ” cũng có nghĩa là “khách” đấy các bạn ạ. “Tân ngữ” là thành phần chỉ người hoặc vật tiếp nhận hành động của chủ ngữ do động từ diễn tả. (Trong câu có “chủ” là chủ ngữ và có “khách” là tân ngữ, thú vị không các bạn.) Từ đây suy ra, tân ngữ trong tiếng Anh gần như tương đương với bổ ngữ chỉ đối tượng trong tiếng Việt. 
Về việc tân ngữ trong tiếng Anh được dùng như thế nào, vị trí ra sao… các bạn sẽ tự tìm hiểu thêm trong môn học tiếng Anh nhé. 
Trước khi kết thúc, có bài tập dành cho các bạn, đó là các bạn hãy tìm lại trong bài viết của mình những câu mà bạn thấy tâm đắc nhất và chỉ ra các thành phần có trong câu, nếu được hãy phân tích thành phần đó thuộc loại gì, do từ loại nào đảm nhận. Hẹn gặp lại các bạn vào chuyên mục lần sau nhé. Thân mến!

Đăng nhận xét

0 Nhận xét