Các bạn trẻ thân
mến !
Các bạn đọc
“bản Thao thức trau dồi tiếng Việt dành cho người trẻ” mới phổ biến trên mạng
chưa? Hơi bị hay đó! Này nhé, có một bạn 9x nhắn tin cho chúng mình: “VTCG ơi! Đêm qua em say mê đọc bản Thao
thức trau dồi tiếng Việt. Thấy hay, em muốn thức để viết một bài chia sẻ, nhưng chưa đọc xong thì đã lăn ra ngủ. Xin cho em một bản tóm tắt
được không ?”. Sau đây, VTCG xin gửi đến
các bạn những điểm chính liên quan trực tiếp đến giới trẻ chúng ta nhé !
I. TẦM QUAN TRỌNG CỦA TIẾNG VIỆT
1.
TRONG VIỆC HÌNH THÀNH NHÂN CÁCH VÀ ĐẠO ĐỨC
Các bạn à,
người ta hay đánh giá chúng ta qua “lời ăn tiếng nói”. Ai cũng cần phải: “Học
ăn học nói, học gói học mở!”. Người lịch lãm có cách dùng từ và diễn ý
khác dân giang hồ. Các công ty tuyển dụng nhân sự đều cần phải phỏng
vấn đó. Nét đẹp của ngôn ngữ sẽ dẫn dắt ta đến nét đẹp của tư duy
và hành động, đến một đời sống đẹp, đúng không các bạn ?!
2.
TRONG VIỆC XÂY DỰNG XÃ HỘI – QUÊ HƯƠNG
Học giả Phạm
Quỳnh từng nói: “Tiếng ta còn, nước ta còn”. Ngôn ngữ một dân tộc đi đôi với
vận mệnh dân tộc ấy. Sự thật ấy được chứng nghiệm nơi lịch sử dân Do Thái. Sau
19 thế kỷ bị ly tán, năm 1947 họ đã tái lập được quốc gia nhờ vẫn giữ vững
tiếng nói và chữ viết của cha ông. Ngôn ngữ mẹ đẻ giúp họ nhớ mình là đồng bào,
có một lịch sử cần tiếp nối và có một quê hương để hẹn về.
Người ta không
biết các Việt kiều ở nước ngoài sẽ duy trì tiếng Việt được mấy đời thế nhưng
ngay trong nước, nhiều sinh viên như bọn mình ra trường mà viết tiếng Việt còn sai
cả về chính tả, dùng từ, đặt câu kìa. Bên cạnh đó, các bạn thấy không, cách
viết tiếng Việt tùy tiện trên điện thoại trên mạng đã xâm nhập cả trên các văn
bản học tập, văn bản thư tín và cả trên các biểu ngữ công cộng…
3.
TRONG VIỆC PHÁT TRIỂN VĂN HÓA
Ai quan tâm xin
tìm nơi khác đọc thêm nhé.
4.
TRONG VIỆC ƯƠM NIỀM TỰ HÀO DÂN TỘC
Hãy nhìn sang
một số nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… Chữ viết của họ
rất khác biệt với mẫu tự La-tinh ta đang dùng. Để hòa nhập với thế
giới, họ gặp nhiều khó khăn hơn ta. Vậy mà, họ vẫn tôn vinh lối viết
ấy và tìm cách cho người dân trân trọng tiếng Mẹ đẻ. Tại Thái Lan, những bảng
hiệu bằng tiếng nước ngoài bị đánh thuế rất đắt. Nhiều nhà đầu tư Nhật Bản
hay Hàn Quốc ra nước ngoài không dùng tiếng Anh, khiến người ta phải học
tiếng của họ để làm việc cho họ. Còn chúng ta?
5.
TRONG SỨ MẠNG LOAN TIN MỪNG
Với các con cái
Chúa, nhất là những người dấn thân cho sứ vụ loan báo Tin mừng, khả năng nói và
viết tiếng Việt trôi chảy và đúng chuẩn mực là điều hết sức quan trọng. Đạo
Chúa là Đạo mạc khải, phải được diễn tả bằng Lời, trước hết là cho những người
anh em cùng văn hóa và ngôn ngữ đang sống ngay bên cạnh. Bởi thế, người thông
truyền sứ điệp Tin Mừng cho người Việt phải nói và viết tiếng Việt thật chuẩn
xác và trong sáng.
II. NGƯỜI TRẺ LÀM GÌ ĐỂ GÓP SỨC VÀO VIỆC TRAU DỒI TIẾNG MẸ ĐẺ?
1. KHỞI
ĐI TỪ GIA ĐÌNH
Cái gì cũng
có nguyên nhân của nó! Các gia đình có phần trách nhiệm trong việc suy thoái
tiếng Việt nơi người trẻ đúng không các bạn ? Chúng mình ít được quan tâm theo
dõi, đi học chỉ bận tâm tới chuyện học gì để dễ xin việc làm về sau, không bận
tâm gì tới tiếng Việt.
Làm sao để
giúp các gia đình có cái nhìn rộng lớn hơn, vươn tới lợi ích chung của Dân tộc
và Hội thánh chứ không chỉ nghĩ tới lợi ích riêng của nhà mình? Làm sao để cha
mẹ không chỉ lo liệu cho con cái biết làm ra tiền nhưng trước hết biết hướng
đời mình về Chân, Thiện, Mỹ?
2. ĐẾN
SINH HOẠT GIÁO XỨ
Theo các bạn,
các giáo xứ cần có chương trình tìm kiếm và đào tạo các tài năng văn thơ trẻ
qua các cuộc thi văn thơ tại chỗ, mở lớp trau dồi viết văn, khuyến khích làm
nội san, có phần thưởng cho các cá nhân và tập thể xứng đáng không ? Bọn mình
nghĩ cần có tầm nhìn xa rộng để đầu tư mở lớp trau dồi tiếng Việt cho nhi đồng
và thiếu niên.
Về văn hóa
đọc, nếu mỗi giáo xứ đều có một nhóm trẻ dấn thân làm tông đồ phát hành sách
báo, hằng tuần bán sách, phim và nhạc đạo, cổ võ mọi người đọc sách thì tình
trạng sẽ khả quan hơn.
Các lớp giáo
lý, các đoàn thể trẻ từ hội lễ sinh, Thiếu nhi Thánh thể đến ca đoàn cần khuyến
khích thành viên của mình trau dồi Việt ngữ.
3.
GIỚI TRẺ
Cách nói và
cách viết tiếng Việt của chúng mình đang bị bóp méo rất nhanh vì ngôn ngữ của
tin nhắn. Nhiều người kêu lòng vị tha và quả cảm của chúng mình đang bị nhạt
phai đó các bạn à. Lương tâm người trẻ đang bị lệch lạc mà không ý
thức. Làm sao để cứu vãn những điều ấy? Làm sao chúng mình biết say mê những lý
tưởng cao cả, học gương danh nhân và học lịch sử nước nhà và biết yêu tiếng nói
của quê hương nhỉ ?!
Ta phải làm gì
để biết đánh giá mọi sự theo quan điểm Tin mừng? Làm sao cho giới trẻ chúng
mình biết sống Tin mừng, chọn phục vụ Thiên Chúa thay vì chạy theo Tiền của?
Bản thao thức
này được gửi trực tiếp đến giới trẻ bọn mình qua các mạng xã hội để các bạn thấy
đây là vấn đề của chính mình ! Tương lai Dân tộc và Hội thánh là của chính chúng
ta và tương lai ấy tùy thuộc vào độ chuẩn xác về cách dùng tiếng mẹ đẻ của chúng
ta, các bạn à. Bản Thao thức nói: “càng chăm chú trau dồi tiếng Việt, bạn trẻ
càng trưởng thành nhờ gia tăng khả năng hướng vào nội tâm, làm giàu đời sống
tinh thần: quan sát, suy tư, nghiền ngẫm và cả cầu nguyện trong thinh lặng.
Cách làm việc ấy đưa người trẻ đến với chiều sâu Tin mừng. Số ơn gọi cũng sẽ
nhờ đó mà gia tăng”.
Ước mong rằng chính
các bạn tích cực tham gia chia sẻ những thao thức này và mạnh dạn đề xuất sáng
kiến của các bạn. Mong rằng khắp nơi sẽ dậy lên những nhóm trẻ yêu tiếng nước
nhà, những câu lạc bộ luyện văn, những Facebook, nhắc nhau trau dồi tiếng mẹ
đẻ, nói và viết tiếng Việt thật chuẩn.
LỜI
KẾT: VÌ MỘT Ý THỨC CHUNG
Việc trau dồi
tiếng Việt cho người trẻ phải là một định hướng lâu dài. Mọi người cần tích cực
tham gia vào ích chung của Giáo hội. Cụ thể mỗi người nên tận dụng mọi phương
tiện: email, điện thoại, photocopy văn bản để chia sẻ những thao thức này đến
càng nhiều người càng tốt, (đến quý cha
và quý Hội đồng Giáo xứ, đến từng giáo dân, nhất là các bạn trẻ…) để hướng
đến một thông điệp và một sứ mạng chung cho tất cả chúng ta. Sự suy thoái tiếng
mẹ đẻ là nguy cơ đáng sợ. Nếu chúng ta không quan tâm đúng mức, thì cả Giáo hội
lẫn xã hội sẽ gánh chịu hậu quả của việc suy thoái nhân cách và văn hóa ứng xử.
Còn nếu chúng ta dám trực diện với thách đố và dấn thân giải quyết vấn đề, Chúa
Thánh Thần sẽ làm cho công cuộc phúc âm hóa xã hội sinh hoa kết quả và Giáo hội
Chúa Kitô tại Việt Nam sẽ thành niềm hy vọng cho Dân tộc.
Xin mời theo
dõi thông tin về cuộc vận động trau dồi tiếng Việt trên FB Văn Thơ Công Giáo https://www.facebook.com/groups/vanthoconggiao.
Và đóng góp qua email <[email protected]>.
BẮT ĐẦU
TỪ CHÍNH MÌNH
VTCG xin đóng
góp thêm một ý nhỏ: Ngay từ hôm nay, chúng ta hãy rủ nhau luôn viết tiếng Việt
thật chuẩn: viết đúng chính tả nè, không viết tắt nè, không dùng tiếng lóng nè;
viết đúng câu, trọn nghĩa nữa nha! Đây là cơ hội tốt để tự thoát khỏi vòng quay
tít mù của cuộc sống. “Từ từ cho khoai nó nhừ”, các bạn thử xem nhé J ! Bắt đầu với những ý
ngắn, câu ngắn, đoạn ngắn thật chuẩn, chẳng bao lâu ta sẽ đủ sức chạy việt dã,
giật giải Viết Văn Đường Trường đấy, thậm chí nhiều việc vĩ đại hơn nữa. Mời
các bạn cùng nghe ca khúc “Một Chút” của Đức Cha chủ tịch Ub Văn Hóa, qua tiếng
hát Tam Ca Áo Trắng nhé. http://www.nhaccuatui.com/bai-hat/mot-chut-tam-ca-ao-trang.wKV6YfAdAY.html
“Một chút trong đời trở thành một chút thật tuyệt vời.
Chắt chiu từng chút ấy cho đời này thêm sáng
tươi”.
Nguồn:
0 Nhận xét