Banner cột chính

Sống đẹp lòng Chúa

MỘT LẦN VẤP NGÃ

Nguyễn Hoàng Hải

(Nha Trang)

Giải II Viết Văn Đường Trường 2013

Chị ngã xuống một con đường gập ghềnh lở lói. Trước khi mọi thứ xung quanh nhòe dần và biến vào bóng tối, chị vẫn còn nhìn thấy khuôn mặt con mình. Khuôn mặt con u ám đầy nỗi đau, nhưng đôi mắt vẫn sáng, và hình như con đang mỉm cười.

Chị sinh ra trong một gia đình ngoan đạo. Ba chị làm ông biện, ngày hai buổi đến nhà thờ. Mẹ chị là một cô giáo hết sức nghiêm khắc. Hằng ngày chị mặc chiếc áo dài trắng chấp chới đi trên đường làng để đến nhà thờ, làm bao chàng thanh niên ngơ ngẩn nhìn theo. Rồi chị lên thị xã học, con tim chị bắt đầu “mở cửa”. Chị không ngờ tình yêu, thứ mà ba mẹ chị vẫn cấm đoán, lại đẹp mê hồn đến thế! Mười tám tuổi, chị bỏ trường bỏ nhà đi theo tiếng gọi của con tim. Bữa chị bị tình phụ quay về, ba chị cầm kéo rượt theo. Bắt được chị trên một đám ruộng bì bõm nước, ông sởn đi mái tóc dài của chị. Mất mái tóc, chị không dám đến nhà thờ. Ba mẹ chị cũng không ép, bởi ra khỏi nhà, người ta sẽ nhìn mái tóc kì dị của chị, và những ánh mắt đó như những lời buộc tội tàn nhẫn và cay độc. Tóc ngắn rồi cũng dài, nhưng chị vẫn không đi lễ, vì cái bụng dưới lớp áo đã trồi lên. Chị không đủ can đảm bước trên con đường dẫn đến nhà thờ. Con chị là dấu hiệu của sự sống, của tình yêu, nhưng đồng thời cũng là một nỗi cay đắng mà chị phải nuốt lấy. Không ai biết vào những buổi trưa, khi xóm làng ngủ mệt trong cái nắng oi ả của mùa hè, chị lủi thủi tới nhà thờ. Chị ngồi đó và khóc.

Chị làm mẹ năm mười chín tuổi. Người đời chê trách mãi cũng chán, người ta lại bồng ẵm nựng nịu con chị. Hôm chị bồng đứa bé đỏ hỏn tới nhà thờ, cha xứ bị sổ mũi. Cha vô ý nhỏ một giọt nước mũi lên cái má trắng hồng của thằng bé. Cha cười, nói chắc sau này nó đi tu. Chị đặt tên con là Tâm.

Mười tám tuổi Tâm bị người ta tông xe gãy chân. Đang lơ mơ ra khỏi cơn mê, Tâm nghe ông ngoại chép miệng, nói là tiếc quá chừng, tưởng đâu thằng bé đi tu. Tiếp theo là tiếng thở dài của chị.

Cũng may Tâm chỉ bị thương nhẹ. Chân hết đau nhưng vẫn để lại dấu vết tật nguyền. Mỗi lần đến nhà thờ, tụi con nít xúm nhau chọc: “Tâm cà thọt, Tâm cà thọt”. Thấy Tâm không phản ứng, chúng chọc miết cũng chán bỏ đi chơi, bỏ lại đó một tâm hồn đang giãy giụa đau đớn trong một thân xác bất động. Tâm vẫn đến nhà thờ mỗi ngày, nhưng tình yêu Chúa trong Tâm đã hao hụt ít nhiều. Có bữa Tâm giáng một cái tát vào mặt thằng bé mới năm tuổi vì nó vống cổ lên kêu “Tâm cà thọt”. Chị đứng đó, chết lặng bởi trái tim con mình đang rỉ máu. Vết thương trong lòng con chưa lành mà mấy đứa con nít vô tình cứ khơi ra.

Tâm thôi nhà thờ. Chị đau khổ nhìn những nỗi đau của mình ngày xưa nay lại viết lên cuộc đời con. Nhưng chị đã ra khỏi, đã bỏ lại dĩ vãng, còn con chị bao giờ mới hết đau? Làm sao bỏ được dáng đi tật nguyền ấy? Làm sao bịt hết miệng của mấy đứa con nít và những người vô tâm?

Chiều đó Tâm nhìn vào góc tường tối và nói với chị: “Con bỏ đạo, Chúa gì mà bất công!”. Chị nghe từng lời của con như một vết cứa lên ruột gan. Trong bóng tối, con chị đang khóc, nhưng hình như nước mắt không chảy, chỉ có đôi vai run run. Nó úp mặt vào giữa hai đầu gối. Chị nhận ra lưng con mình đã cong từ bao giờ, cong để cúi mặt xuống đất, khỏi ngước mặt lên nhìn đời. Chị đặt nhẹ bàn tay lên lưng con, nghe từng đốt sống lưng gồ lên đâm vào những ngón tay của mình. Chị muốn nói với con rằng Chúa không bất công, rằng Chúa luôn yêu thương con, nhưng chị không biết nói từ đâu?

Có nên kể cho con nghe về một bệnh viện phụ sản, nơi cha của Tâm đã từng dẫn chị đến? Bữa đó cha Tâm nắm chặt tay chị nói: “Em mà không bỏ cái thai thì tôi bỏ em”. Lúc ấy chị đã dợm chân bước vào, nhưng nhìn thấy cây Thánh Giá nhỏ trên chiếc áo thường phục của một nữ tu, chị đã vùng khỏi tay cha Tâm mà chạy. Có phải nên kể cho Tâm nghe, không có cây Thánh Giá đó, chắc Tâm sẽ không bao giờ được thấy ánh sáng, được sống vui vẻ mười mấy năm qua. Có phải nên kể cho Tâm nghe, khi chị mang thai, mọi người đều xa lánh, chỉ có cha sở quan tâm. Ngài vẫn khép hờ cửa nhà thờ mỗi trưa, để chị có thể dễ dàng vào ngồi với Chúa. Chắc Tâm cũng không biết hồi nhỏ Tâm gầy yếu, đau ốm xanh xao, có bữa sốt cao phải đem đi cấp cứu. Mọi người trong giáo khu đã góp tiền cho Tâm đi viện và đọc kinh cầu nguyện cho Tâm qua khỏi cơn nguy kịch… Nhiều lắm, nhiều lắm, Tâm có lẽ cũng biết, nhưng bây giờ nỗi đau trong lòng quá lớn. Nhưng chị không muốn Tâm mất Chúa trước khi nỗi đau trong lòng Tâm nguôi ngoai.

Chị sẽ kể hết, chỉ chừa lại chuyện ở bệnh viện phụ sản, chị không muốn chuyện đó làm nỗi đau trong lòng Tâm lớn hơn. Chị sẽ nói cho Tâm biết rằng Chúa không bất công, bắt đầu từ bữa trưa chị đến nhà thờ ngồi khóc. Rồi ngày Tâm chào đời, cha sở đã tới thăm, nói Tâm mau lớn để lên nhà thờ giật chuông với ông ngoại. Chị nghe tiếng ba chị nghẹn ngào khóc, hạnh phúc không nói nên lời. Tâm có biết rằng hôm đó chị đã hồi sinh, đã thấy nhớ nhà thờ, nhớ Chúa đến rơi nước mắt…

Trong bóng tối chị nghe tiếng con thở rất khẽ. Chị đã rót vào tâm hồn con cuộc sống của mình, tình yêu đối với Chúa của mình, vì chị nghĩ điều đó là cần thiết cho một tâm hồn đang hoang mang, trống rỗng.

Tâm lao ra bóng tối và chị chới với đuổi theo. Chị cảm thấy như mình vừa sống lại một cuộc đời, đã mệt mỏi kiệt sức vì nhớ lại những quãng đời đầy hối tiếc, chị ngã xuống. Cũng may khi tỉnh lại, chị đã thấy con mình bên cạnh. Đúng là khuôn mặt con đang mỉm cười. Đến lượt Tâm kể cho chị nghe, rằng Tâm đã đi xưng tội và cảm thấy nhớ Chúa như thế nào…

___________________

Đăng nhận xét

0 Nhận xét