Banner top

Banner cột chính

Sống đẹp lòng Chúa

MẠCH NƯỚC NGẦM


Nghi nhắm mắt lại, thấy từng ánh sáng bạc rớt xuống, rớt xuống, mỗi lúc một nhiều cho đến lúc tựa hồ một cơn mưa sao băng tạo nên một vệt sáng dài. Vệt sáng ấy mất hút khi vừa chạm vào đất, như thể đất đã chờ sẵn để nuốt hết không để sót một tia sáng nào, rồi biến những tia sáng đó thành một dòng chảy ánh sáng sâu trong lòng đất. Và khi giọt sáng cuối cùng rơi xuống, mọi sự lại chìm trong bóng tối...
Nghi không mở mắt ra, không phải vì cô tiếc nuối hay muốn tận hưởng dư ba của cơn mưa ánh sáng đó. Cô chỉ muốn xuyên thấu lòng đất, để biết bằng cách nào những giọt sang ấy lại có thể chảy trong lòng đất, như thể một mạch nước ngầm. Nghi cũng muốn nhìn vào bóng tối, cái còn lại sau khi giọt sáng cuối cùng lịm tắt. Lòng thanh thản, cô muốn thấy cái sẽ hiện hình trong dày đặc bóng đêm…
* * *
Một mạng sống bị loại bỏ khi Nghi và Vũ quyết định không thể có con vào lúc này. Lý do là cả hai chưa làm lễ cưới. Nhưng dường như đó không phải là nguyên nhân quan trọng nhất, bởi vì Nghi biết có một giáo xứ mà vị linh mục ở đó sẵn sàng dạy giáo lý và cử hành Bí tích Hôn phối cho bất cứ đôi nào đến xin, không đòi hỏi những thủ tục rắc rối trừ giấy chứng nhận Rửa tội, Thêm sức và tình trạng độc thân. Vì vậy, nếu muốn, Nghi và Vũ có thể đến đó và chỉ mất hơn một tháng để học giáo lý hôn nhân, sau đó có thể cử hành lễ cưới để hợp thức hóa cái thai. Mà đó cũng chẳng phải là giải pháp duy nhất. Nghi đã chẳng thấy đầy dẫy người Công Giáo đi làm thuê ở trọ, cứ sống chung với nhau rồi sinh con đẻ cái mà chẳng cần phải làm lễ cưới gì hết đó sao? Lý do xã hội cũng không phải là vấn đề đáng quan tâm. Xã hội bây giờ khác xưa lắm rồi, người ta không còn lên án những cô gái chưa chồng mà chửa; cũng chẳng còn cô gái chửa hoang nào bị gọt đầu bôi vôi hay nhốt rọ thả sông. Cùng lắm thì cũng vài ba tiếng xì xầm sau lưng của các bà già cổ hủ hay những kẻ rảnh việc nhiều chuyện, nhưng họ nói mãi rồi cũng sẽ chán! Lý do chính là cả hai thấy mình chưa sẵn sàng để tiếp nhận thêm thành viên thứ ba vào “tổ ấm” của họ. Cả hai bằng lòng với cuộc sống hiện tại của mình và không muốn bị xáo trộn.
Nghi và Vũ không mất nhiều thời gian lắm cho quyết định phá thai này. Kỹ năng làm việc dứt khoát đã giúp họ đi đến quyết định nhanh chóng. Nêu lên những lý do và chọn điều gì phục vụ tốt nhất cho cuộc sống của mình, những lý do khác sẽ được coi là thứ yếu và bị loại bỏ dễ dàng. Vũ thẳng thắn: “Anh mới lên làm trưởng phòng. Áp lực công việc không cho phép anh có thời gian chăm sóc em lúc thai nghén, lại càng không thể có thời gian cho con lúc này”. Nghi không chất vấn những lý do của Vũ. Cô chỉ hình dung bao nhiêu thứ rắc rối khi mang thai, những mệt mỏi cô phải chịu, nhất là khi cô phải ở một mình những lúc Vũ đi công tác. Hơn nữa, Nghi cũng không muốn nuôi con một mình. Dù sao, giữa Nghi và Vũ cũng chưa có gì ràng buộc chính thức, cả hai chỉ đang sống thử. Vũ có thể bỏ cô bất cứ lúc nào, và cũng có thể là cô sẽ chia tay khi thấy không còn hợp với Vũ nữa.
Nghi thừa thông minh và dư tiền của để giải quyết cái thai của mình một cách nhẹ nhàng và ít đau đớn nhất. Nhưng vốn vẫn đặt sức khỏe lên hàng đầu, Nghi xin nghỉ dưỡng bệnh một tuần để tránh những hậu quả về sau do phá thai. Nhưng đó lại là một quyết định sai lầm đối với Nghi (hay là một cơ may cho cô?). Thay vì nghỉ dưỡng để được hồi phục sức khỏe, tinh thần Nghi lại sa sút nghiêm trọng. Mọi sự đã không đơn giản như Nghi nghĩ. Trí thông minh của Nghi đã không thể thấy trước được những hậu quả khi cô quyết định phá thai. Ngay ngày đầu tiên, khi vừa đặt lưng xuống nệm, Nghi chưa kịp tận hưởng cảm giác thoải mái trong không gian thanh vắng và sự dễ chịu của mùi hương hoa hồng mà Nghi rất thích, thì chính cái thanh vắng lại là môi trường để cảm giác tội lỗi bắt đầu xuất hiện và tấn công cô. Là người có óc thực tế, Nghi rất ngạc nhiên khi cảm giác đó xâm chiếm cô. Nghi vẫn quan niệm rằng, sự day dứt lương tâm chỉ là kết quả của những lo sợ về sự trừng phạt vì những điều mình làm, là điều mà những người yếu bóng vía hay tưởng tượng ra. Còn Nghi, khi đi phá thai đã không hề hình dung đó là giọt máu chứa đựng sự sống, càng không nghĩ đó sẽ là một con người. Nghi đủ mạnh mẽ (và cả lạnh lùng) để nghĩ việc phá thai chỉ đơn giản là bỏ đi một cái gì đó không cần thiết, thậm chí là gây cản trở cho hạnh phúc của cô. Nghi đã cố hết sức tránh không để cho mình nghĩ vẩn vơ. Vì thế, Nghi không thể hiểu nổi tại sao có những day dứt và những cơn mơ ám ảnh cô. Trong giấc ngủ chập chờn, Nghi nghe như có tiếng em bé khóc gọi mẹ, nhưng tuyệt nhiên không thấy một đứa bé nào. Tiếng khóc không rõ ràng nhưng làm Nghi rợn hết cả người. Vốn là người mạnh mẽ, Nghi tìm mọi cách để thoát khỏi tiếng khóc đầy ám ảnh đó. Cô đọc sách, xem phim, mở nhạc thật lớn... nhưng dường như mọi cố gắng của Nghi đều vô ích. Tiếng khóc đó như mũi khoan, cứ khoan xoáy vào tận nơi sâu thẳm của Nghi, khiến cô gần như lúc thức cũng nghe thấy. Và cho đến đỉnh điểm, khi tiếng khóc đó gào lên thành một lời buộc tội rằng Nghi là kẻ giết người, thì Nghi biết mình hoàn toàn gục ngã.
– Chúng ta phải đi xưng tội!
Nghi nói như người mộng du khi dựng Vũ dậy vào lúc nửa đêm. Vũ biết Nghi có vấn đề, nhưng “luật tôn trọng” không cho phép Vũ gặng hỏi khi Nghi không muốn nói. Vũ nhẹ nhàng:
– Bây giờ là nửa đêm rồi, có gì sáng mai chúng ta nói.
Nghi tiếp tục mà không cần nghe Vũ nói gì:
– Chúng ta đã giết người! Chúng ta phải đi xưng tội!
Vũ thở dài. Anh ngạc nhiên khi nghe Nghi nói như thế. Anh không thể tưởng tượng được chuyện phá thai lại làm cho Nghi bị suy sụp nhanh chóng như vậy. Bởi cũng như Nghi, anh đã nghĩ thật đơn giản rằng anh chưa sẵn sàng để đón đứa con, và anh có quyền từ chối nó. Từ chối đón nhận một người, như anh vẫn quen từ chối những con người gây cản trở cho công việc của anh, thế thôi! Như vậy là giết người sao? Theo như Nghi nói, thì cái thai mới chỉ là giọt máu thôi mà, có thực sự nghiêm trọng đến mức phải gọi là giết người không? Nhưng Vũ đã không biết tất cả những gì đang diễn ra trong tâm hồn Nghi, cái gì đang dày vò, cắn rứt Nghi.
–  Được rồi. Để anh sắp xếp thời gian.
Khi một người không bình tĩnh, người còn lại không tranh cãi, và người kia phải nhận ra điều đó để dừng lại. Đó là một trong những “điều luật” mà Vũ và Nghi đã đặt ra khi quyết định sống chung. Nhưng dường như Nghi chẳng còn nhớ luật lệ gì nữa, cô nói gần như gào lên:
– Ngày mai… Ngay ngày mai chúng ta phải đi xưng tội. Chúng ta đã giết người!
Trong thoáng chốc, Vũ tưởng như anh đã bị lôi vào cái cảm giác tội lỗi của Nghi. Những động từ “xưng tội”, “giết người” làm anh cảm thấy khó chịu. Cũng như Nghi, anh cố gắng tìm mọi cách để thoát ra khỏi điều đó, anh không muốn mình rơi vào tình trạng giống như Nghi. Thật ra thì khuôn mặt của Nghi trong những ngày vừa qua cũng đã ám ảnh anh. Nghi trông khốn khổ, nhăn nhúm như bị ai đó giày vò, bóp nghiến… Anh với tay lấy cho Nghi liều thuốc ngủ, còn anh, chong mắt nhìn lên trần nhà. Trong bóng tối lờ mờ của ánh đèn ngủ, Vũ nhận ra mình bất lực. Thật sự thì anh đã không thể làm gì được cho Nghi, cũng như cho chính anh, để có thể thoát ra khỏi tình trạng này. Có thể nơi anh, sự giày vò không lớn như Nghi, nhưng chắc chắn, có cái gì đó đang diễn ra trong tâm hồn đã đè bẹp sự mạnh mẽ, lạnh lùng và quyết đoán nơi những người có óc thực tế và sống lý trí như anh và Nghi. Bất giác Vũ cảm thấy anh và Nghi (là những con người) thật đáng thương! Có lẽ Nghi đúng. Sáng mai, anh sẽ xin nghỉ làm để đưa Nghi đi xưng tội. Vũ quyết định như vậy trước khi trôi vào cơn mộng mị của riêng mình…
* * *
… Mạch nước ngầm, nó chảy sâu trong lòng đất. Người ta có thể đi trên nó mà không biết, người ta cũng có thể quên lãng hoặc chẳng bao giờ quan tâm nghĩ đến nó. Nhưng không vì thế mà nó cạn khô, không vì thế mà nó không ngừng tích tụ cho mình những giọt nước tinh khiết nhất. Để rồi bất cứ khi nào con người cần đến, con người nhớ ra và đào bới tìm kiếm, nó lại trào vọt một dòng nước trong suốt. Dòng nước ấy không chỉ đủ mạnh để cuốn trôi những dơ bẩn, không chỉ đủ nhiều để thỏa mãn những cơn khát, mà cái chính là nó sẽ đem lại sự sống. Và khi cần đến sự sống, hay để phục vụ cho sự sống, con người sẽ tìm đến những mạch nước ngầm.

Sơn Thù Du
(Dòng Mân Côi)
Giải III Viết Văn Đường Trường 2013

Đăng nhận xét

0 Nhận xét