Banner cột chính

Sống đẹp lòng Chúa

Giữ cho văn hóa còn thì đất nước còn

Nổi tiếng vì nhận nhiều giải cao trong các cuộc thi “Những cuốn sách vàng” do TP. Hồ Chí Minh tổ chức, cha Giuse Nguyễn Hữu Triết (Trưởng ban Mục vụ Văn Hóa TGP Sài Gòn, chính xứ Tân Sa Châu) có hẳn một “bộ sản phẩm cổ” liên quan đến Truyện Kiều và Nguyễn Du. Số đèn cổ cha sưu tầm đã lên tới 1.400 chiếc.



Ngồi trò chuyện dưới ánh sáng của cây đèn cổ đời nhà Mạc thế kỷ XVI, vị linh mục tâm sự nhiều về một thú chơi, “thực ra là một hình thức biết ơn tiền nhân và giữ gìn văn hóa thôi”. Cha là người cởi mở, say mê chia sẻ từ chuyện đồ cổ cho tới những chuyện “sống đạo” trong xã hội ngày nay.

Được thụ phong linh mục lúc 27 tuổi, có hơn 20 năm là phó xứ Gia Định và gần 20 năm chánh xứ ở Giáo xứ Tân Sa Châu, hẳn cha nhận thấy đời sống đạo có nhiều thay đổi theo thời cuộc. Vậy theo cha, điều gì thay đổi rõ rệt nhất?

Toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của các đô thị đã tạo ra nhiều xáo trộn, phân tán, nên hiếm khi nào còn xứ đạo toàn tòng như ngày xưa nữa. Đời sống tập trung có mặt tích cực là người ta nhìn theo nhau, theo một tấm gương nào đó, rồi lễ lạt đông đảo, công việc chung sẽ trôi chảy,… Nhưng mặt tiêu cực của việc sống quần tụ là tâm lý ỷ vào bầy đàn, theo niềm tin bầy đàn, không đào sâu niềm tin cá nhân. Giống như nếu được cha mẹ bảo bọc kỹ quá, thì cuộc sống cứ êm xuôi đều đều như vậy, đến khi gặp phải hoàn cảnh tứ tán thì rất đáng lo, người nào vững vàng mới vượt qua được. Bây giờ xã hội thay đổi, hiện tượng di dân, đô thị hóa, thay đổi công ăn việc làm, nơi cư trú, người ta đi khắp nơi kiếm sống, cả ra nước ngoài…

Vâng, chỗ nào cũng thấy, đến cả tai nạn tàu ở tận Bắc cực, hay nạn nhân cướp biển Somali, cũng có người Việt Nam…

Chính sự phân tán trong đời sống, đi khắp nơi như vậy, giáo hữu cũng dễ phân tán trong việc giữ đạo.

Nhưng tính truyền thống rất mạnh, nhất là trong tôn giáo, phải không thưa cha?

Đúng là truyền thống sẽ không mất đi, nhưng không được chuẩn bị tốt cũng sẽ sút giảm. Mỗi người phải sống với niềm tin của mình trong xã hội, một hiện tượng bình thường cho mọi tôn giáo. Ngày xưa cả đời cụ tổ cho đến con cháu đều ở cùng một làng, trong một lũy tre. Vấn đề ly dị tôi chưa bao giờ nghe, nay thì nhiều lắm, trong giáo dân cũng đã có, vì ảnh hưởng chung của xã hội.

Vậy theo cha, đó có phải là vấn đề bức xúc nhất trong đời sống đạo của hôm nay không?

Bức xúc nhất là làm sao để có được đức tin trưởng thành, yêu cầu lớn nhất để có thể đối phó với thực tế. Có đức tin trưởng thành thì vứt ở đâu cũng sống được. Thiếu nó, Giáo hội sẽ gặp nguy hiểm.

Bây giờ trong rao giảng của các vị linh mục, phải thay đổi thế nào để phù hợp với đời sống thực tế, thưa cha?

Giáo lý được liên hệ với những điều mới mẻ. Xưa làm gì có thụ tinh nhân tạo, đồng tính, chuyển giới! Chúng tôi phải chuẩn bị Giáo lý hôn nhân Công giáo cho giới trẻ, huấn luyện mục đích hôn nhân gồm hai điều, vợ chồng yêu thương giúp đỡ nhau, cộng tác với Chúa trong chuyện sinh nở và giáo dục con cái. Chúng tôi phải mở lớp Giáo lý hôn nhân rồi mới làm lễ hôn phối cho các cặp vợ chồng trẻ. Có hai đặc tính của hôn nhân Công giáo, đó là một vợ một chồng và bất khả phân ly, không ly dị.

Công giáo sẽ xử lý ra sao khi thực tế đang phá vỡ dữ dội những luật này, ngay chuyện phá thai thì Việt Nam cũng đứng vào hàng đầu thế giới?

Phải bằng biện pháp giáo dục thôi, chúng tôi không có những chế tài theo kiểu luật pháp. Với Hội thánh thì chỉ rút phép thông công, không được xưng tội, rước lễ. Còn thì chỉ thông qua giáo dục, kêu gọi mọi người sống có lương tâm, trách nhiệm. Ngay các vấn đề bên ngoài xã hội, luật pháp đã có những quy định, chế tài, xử phạt hẳn hoi nếu vi phạm, cũng vẫn phải dùng nhiều biện pháp giáo dục.

Khi xã hội có những biểu hiện lệch lạc, sẽ có những cơ chế khác bù đắp vào, đó là truyền thống văn hóa, mối liên kết giữa các gia đình, làng xã, sự từ bi, tấm lòng tương trợ, hoạt động tôn giáo…, gọi chung là vốn xã hội. Cha thấy sống đạo liệu có phát huy được nhiều điểm tích cực không?
 
Cha Giuse Nguyễn Hữu Triết cùng mẫu đèn cổ
Tôn giáo rất cần thiết trong xã hội như thế. Nếu sống đạo, dù theo Công giáo, Tin lành hay Phật giáo đều sống theo đạo lý, đề cao công bằng bác ái, từ bi, tôn trọng sự sống, văn minh, tình thương yêu. Người biết sợ Chúa, sợ Trời đất, thì mới không dám làm điều ác; chứ không sợ, không tin gì cả, thì chẳng có gì níu giữ cả…

Nhưng nếu chỉ vì sợ mới làm thì đâu có tốt và bền vững?

Chỉ có sợ thì trình độ đạo đức không cao, nhưng cần thiết. Luật pháp cũng vậy, phải có chế tài. Hãy nhìn sang nước bạn, Singapore ít có tội phạm ma túy vì luật pháp rất nghiêm, chỉ tàng trữ vài trăm gram heroin là treo cổ. Tổng thống Mỹ, thủ tướng Úc đứng ra xin giảm hình phạt cho công dân nước mình cũng không được. Giữ thành phố xanh sạch, vất mẩu thuốc lá bị phạt 500 đô. Ở Paris thủ đô nước Pháp, trên cột đèn vẽ hình con chó, nhắc việc cấm chó phóng uế, nếu vi phạm, phạt 450 euro. “Già đòn non nhẽ” mà. Nếu ở nước ta, ai đua xe bị bắt sẽ bị tịch thu xe, nếu có bố mẹ là công chức thì buộc phải từ chức, chắc chắn nạn đua xe phải bớt. Người theo đạo nào thì trước tiên phải là công dân tốt, sống tự giác, tuân thủ pháp luật. Được vậy, xã hội sẽ bớt nhà tù, không cần nhiều công an. Tôi có dịp ở Đan Mạch ba tháng, suốt thời gian đó cũng đi nhiều nơi, vậy mà chưa thấy được một viên cảnh sát.

Chắc cha đi nghiên cứu ở nước ngoài nhiều?

Không, tôi đi thăm anh tôi. Công việc của một cha xứ không hề ít. Ngoài tế tự, lễ giảng, giải quyết các nhu cầu tôn giáo, hôn nhân, rửa tội, giải quyết xin di chuyển…, còn có công việc mục vụ, điều hành các lễ nghi, tổ chức hoạt động bác ái như “bữa cơm nhân ái” 170 suất ăn trưa cho người nghèo, cơ nhỡ…

Cha có thể kể một kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời linh mục của mình?

Hơn 40 năm, nhiều kỷ niệm lắm. Nhưng có lẽ tôi hài lòng nhất khi nhớ về sự giản dị của đời phục vụ. Năm 1972, ngày đi nhận chức phó xứ Gia Định. Một xe đạp lọc cọc chở chiếc vali, đi từ chợ Cầu – Gò Vấp về Gia Định, không người tiễn đưa, không ai ra đón, như cô dâu tự về nhà chồng. Người đầu tiên tôi gặp là ông thầy tên Tế phụ trách văn phòng của Trường Thánh mẫu có tới 1.300 học sinh. Ông thầy Tế hỏi: “Ông đi đâu đây?”. Tôi đáp: “Tôi là cha phó đến nhận nhiệm vụ”. “Vậy à, cha Sở có gửi chìa khóa đây”. Rồi chưa kịp chào, cha Sở đã mời ra ngay nhà thờ làm công tác mục vụ, ban phép hòa giải cho người tới xưng tội. Vào việc liền, âm thầm, đơn giản, hợp với bản chất nông dân của tôi, thuở bé chăn trâu bò ngoài đồng quen với đời sống đơn giản. Tiệc tùng tôi sợ lắm.

Cha nổi tiếng nhờ việc sưu tầm sách cổ với hai giải nhất trong cuộc thi “Những cuốn sách vàng”, có năm nhận tới sáu giải. Từ bản Truyện Kiều khắc ván in từ thế kỷ XIX độc đáo, dường như nay đã “quần tụ” thành một bộ sản phẩm. Cha có gì mới chia sẻ với mọi người?

Đúng là ngày càng đồ sộ. Bên cạnh gần hai mươi bản Truyện Kiều chữ nôm rất quý, cổ xưa, tôi đã sưu tầm thêm được 200 bản Truyện Kiều in tiếng Việt và tiếng Pháp, Anh, Đức, Rumani, Hàn Quốc. Có cả bản chữ nổi cho người khiếm thị. Rồi khoảng 700 đầu sách nghiên cứu Truyện Kiều và Nguyễn Du, hơn 700 tờ báo và tạp chí viết về Truyện Kiều và Nguyễn Du. Có 50 bức tranh vẽ Kiều. Ngoài ra, còn có nhiều sản phẩm như chén, thống, tượng sứ, guốc sơn mài có hình vẽ Kiều, rất nhiều cuốn băng ngâm Truyện Kiều, toàn những tác phẩm “thứ dữ”, tạo nên một bộ tác phẩm vẫn đang được làm giàu, sưu tập thêm.


Còn việc sưu tầm đèn cổ của Cha đã nổi tiếng khắp nơi, Cha có thể cho biết bây giờ con số đèn đã lên tới bao nhiêu cái rồi và đôi nét đặc sắc về chúng?

Kể cả đèn cổ và đèn xưa (theo quy định đèn xưa là chưa tới 100 năm), tôi đã có được 1.400 cái, làm từ rất nhiều chất liệu: đồng, bạc, gang, thủy tinh, antimoan, nhôm, sắt, sứ, gốm, đất nung, hoặc có bầu đèn làm bằng gỗ. Về niên đại thì cái cổ nhất là cái đèn Sa Huỳnh đã 2.500 năm. Đèn có xuất xứ từ 14 quốc gia, màu sắc phong phú tuyệt đẹp. Cái đất nung thô màu gạch, thủy tinh nhiều màu, gốm sứ đủ hình vẽ đa dạng. Dáng dấp đủ hình đủ kiểu, tuyệt vời lắm.

Trong số đó, cây đèn cổ nhất cha có được là nhờ vào đâu?

Cây đèn Sa Huỳnh ấy có dáng vẻ rất đơn giản, giống cái lọ, cho mỡ động vật vào thắp sáng, tim đèn làm bằng vỏ cây. Tôi có được nó nhờ mua cả cái mộ chum Sa Huỳnh, bên trong có cả các hũ, lọ, chậu hoa, được chôn dưới đất hàng ngàn năm. Mộ chum thì tôi quen lắm, người ta giới thiệu là tôi biết liền.

Nhiều người thắc mắc rằng, bảo quản đèn cổ có cần điều kiện gì đặc biệt không, thưa cha?

Chỉ cần giữ gìn đừng để xô lệch, đổ vỡ thôi, không làm gì đặc biệt.

Và vì sao thú sưu tập lại là cây đèn chứ không phải thứ gì khác?

Trước hết là nhờ vào văn học. Nào là Tắt đèn, Ngọn đèn dầu lạc, truyện thời danh Lục Vân Tiên “Trước đèn đọc truyện Tây Minh”. Truyện Kiều nhắc nhiều tới đèn, sách hay, đọc dưới đèn, cảo thơm lần giở trước đèn… Tôi đi tu, đọc Thánh kinh từ bé cũng thấy nhắc nhiều tới đèn, nó biểu tượng cho đời sống thánh thiện, minh bạch. Chúa cũng nói, các con là ánh sáng thế gian… Ca dao tục ngữ cũng vậy, gần mực thì đen, gần đèn thì sáng; thông minh gọi là sáng dạ… Từ văn học, đời sống, cho đến Thánh kinh, tục ngữ ca dao… Tôi thấy cây đèn có nhiều ý nghĩa quá, sách đi đôi với đèn, nó còn là ánh sáng trí tuệ.

Một dạo nghe nói cây đèn sứ Trung Hoa, cây đèn Pháp chóa thủy tinh chân cẩm thạch giá tới gần 100 triệu đồng, cha mê lắm nhưng đắt quá nên chưa mua được, bây giờ số phận chúng ra sao rồi?

Tôi đã cố gắng mua được rồi. Cây đèn sứ Trung Hoa nằm trong bộ sưu tập đèn cuối đời Thanh, rất hiếm, đúc nguyên. Cây đèn chóa da cọp cao gần một mét, đắt lắm, vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, của những gia đình người Pháp giàu có.

Cái thú thưởng thức đèn cổ, ngồi dưới ánh sáng của chúng hẳn là có gì đó đặc biệt…

Thú sưu tầm là giữ gìn văn hóa, các kỷ vật của người xưa, một hình thức biết ơn tiền nhân. Cây đèn đã qua bao nhiêu người dùng. Ngày xưa chỉ có đèn dầu là nhất, có lúc đốt bằng mỡ trăn, mỡ chuột. Nước ta bốn ngàn năm văn hiến rồi mà. Mình sưu tầm, như góp phần tiếp tục giữ ngọn lửa. Còn thưởng thức thì trước tiên nhìn đèn cũng như nhìn thấy lịch sử hàng trăm, hàng ngàn năm. Đời người ngắn ngủi, so với thời gian đối diện với chứng tích của cây đèn cổ thì mình còn kém rất xa. Tôi nhớ lời một anh bạn chơi với nhau đã bốn mươi năm, thường cùng nhau ra đường Lê Công Kiều ngắm tìm đồ cổ. Anh ấy dẫn lời một người Anh nói về thú chơi đồ cổ. Rằng người chơi đồ cổ là người yêu đời nhất, cũng là người chán đời nhất, là người yêu nước nhất và đầu tư được vốn liếng lớn nhất. Có khi thu lợi bất ngờ.

Yêu đời nhất thì có thể suy đoán được, còn vì sao lại là chán đời nhất? Có phải do chỉ đắm chìm vào quá khứ mà quên sống thực tại không?

Không phải. Yêu đời nhất là thế này: dù anh có làm lớn đến đâu, giàu có đến đâu, cái gì cũng có, nhưng chắc chắn không thể có cái đèn Sa Huỳnh 2.500 năm của tôi. Niềm tự hào học theo kiểu cụ Tản Đà, “ta cũng hơn ai cái cảnh nghèo”, đó là “không ai bằng mình”. Đại gia mang tiền tới, chưa chắc tôi đã bán cho. Còn chán đời nhất là do so sánh, “mày hãy còn đây, mày sống lâu, như cái đèn Đông Sơn đã 2.000 năm, còn thân tao sắp phải chia ly mày rồi”, đó là đau đớn nhất. Yêu nước nhất, là gìn giữ không để chảy máu cổ vật. Không phải “la oai oái” như bây giờ ai sang Thổ Nhĩ Kỳ mà rinh cái bình củ tỏi gốm Chu Đậu về được không? Cái bình mà nhờ nó, chúng ta đã tìm ra được cả nguồn gốc nghề gốm Chu Đậu của ông cha. Nếu mình giữ cho văn hóa còn thì đất nước còn, văn hóa mất thì mình mất. Tôi nghĩ mỗi công dân đều có bổn phận đó.

Thế còn “nhà đầu tư” và những bất ngờ giá cả?

Đầu tư tiền bạc thì phải có, nhưng với tôi, không có ý nghĩa làm giàu. Một người bạn kể câu chuyện hay xảy ra trong giới sưu tầm cổ vật mà anh chứng kiến vào một buổi chiều trên đường Đồng Khởi. Có một người ở miền Tây lên bán cái lọ đất nung. Chủ hàng không muốn mua, trả tới trả lui mới mua được 50 ngàn đồng. Chỉ lát sau, một khách Trung Quốc vào ngắm nghía, soi chụp kỹ lắm, chủ nhà biết là “dân máu mua” nên hét giá thật cao, cuối cùng bán được 13 cây vàng! Những chuyện ấy là may rủi thôi. Nói về đầu tư gặp may thì ai cũng đã nghe câu chuyện anh cày ruộng ở Mỹ tìm được đồng tiền vàng từ năm 1932 loại không phát hành, các nhà khảo cổ đánh giá tới 7 triệu rưỡi đô. Rồi chuyện con tem 2 xu có hình bà Victoria, thế giới chỉ có một cái. Đó là những chuyện ly kỳ về chơi đồ cổ. Riêng tôi, tôi không gặp chuyện gì bất ngờ liên quan đến tiền bạc.

Nhưng chuyện kỷ niệm đáng nhớ lúc đi sưu tầm thì cha có nhiều chứ?

Nhiều, nhưng tôi lại thích những kỷ niệm đơn giản mà hồi hộp. Khoảng năm 2003 ra Hà Nội, đi chơi Nghi Tàm với anh bạn, bất ngờ gặp một lúc ba cây đèn quý, một của Đông Sơn, một của Bát Tràng và một cây đèn thủy tinh. Túi không đủ tiền, may mà có anh bạn cho mượn, nhưng cái cảm giác choáng váng khi thấy chúng và sự “hú hồn” suýt không mua được bữa ấy thật khó quên.

Như tất cả những người sưu tầm cổ vật luôn nghĩ tới tương lai cho những cổ vật suốt đời mình sưu tập, cha đã nghĩ tới chưa?

Tôi sẽ hiến cho Giáo hội quản lý để cho mọi người thưởng thức. Nhiều hiện vật của tôi đã biếu, ở Huế, La Vang, ai cũng có thể vào xem. Hiện nay, bộ Truyện Kiều đồ sộ đã đưa ra rồi. Ở dòng Thiên An, có cả thủ thư, vì Đức cha ở đó có ý định làm thư viện về Cố cả Léopold Michel Cadière (linh mục năm 1892 lúc 23 tuổi, sang Việt Nam làm mục vụ tại giáo phận Huế. Là người sáng lập Hội Đô thành hiếu cổ quy tụ 40 nhà nghiên cứu Pháp – Việt. Ông để lại 245 sách, khảo luận nghiên cứu Việt Nam). Ở TP. Hồ Chí Minh, cách đây mấy năm tôi có hiến vào Nhà truyền thống Giáo phận Thành phố ở đường Tôn Đức Thắng, đã trưng bày nhiều tượng, ảnh, đồ cổ về văn hóa dân tộc, tôn giáo. Có cả bộ đèn mang tên “Ánh sáng muôn dân” 960 cái, khách du lịch Đông – Tây đều thích. Đèn từ thời Đông Sơn đến thế kỷ XX, cái non nhất là cái có trước 1975. Đáng tiếc là nhân sự người quản lý chưa được ổn định.



Cha còn viết rất nhiều, tới hàng chục cuốn sách nhỏ mang tên Những suy nghĩ vẩn vơ về rất nhiều vấn đề thời cuộc sâu sắc, gắn bó với đời sống hằng ngày. Cha có định xuất bản như các tác phẩm đồ sộ của Đức cha Bùi Tuần được nhiều người hoan nghênh?

Đức cha Bùi Tuần là bậc lớn, cây bút lớn. Những suy nghĩ của tôi, muốn như những lời tâm sự chuyện đạo lẫn chuyện đời, in rất nhỏ, là loại chia sẻ với mọi người, biếu tặng đọc chơi chứ không in ra để bán.

Cha viết nhiều “suy nghĩ vẩn vơ” về thời cuộc, vậy vấn đề xã hội nào khiến cha bức xúc nhất?

Đó là vấn đề công bằng. Còn nhiều cảnh bất công quá. Chúng ta phải cố gắng làm sao giảm bớt bất công, bởi nếu sống trong bất công thì cũng không sao có hạnh phúc được.

Cha vào Nam năm 1954, lúc mới chín tuổi, xa mãi quê hay có khi nào về lại thăm gia đình?

Gia đình tôi đã sống ở nhiều nơi kể từ khi vào Nam, cặp cảng Sài Gòn. Đó là Bình Xuyên, Bến Cát, Sóc Trăng, Hố Nai, Trảng Bom, Tam Hiệp. Tôi có trở lại thăm quê ở Hải Dương, như mọi nơi trên đất nước, quê hương tôi cũng khác xưa nhiều lắm.

Là người bận rộn, nhưng thường dân chơi đồ cổ hay có “hội” trao đổi ý kiến, sở thích, đánh giá, cha có tham gia hội nào không?

Có chứ. Hội Cổ vật TP. Hồ Chí Minh đông tới cả trăm thành viên, họp hằng tháng. Câu lạc bộ sách Xưa và nay cũng thường họp ở đây. Ở cái bàn trà này, một tuần cũng có tới năm tối, anh em tới uống trà, nói chuyện, bình luận, giao lưu, chuyện của những dân “ghiền đồ cổ” mà, vui lắm.

Xin cảm ơn cha


Theo Vietnamnet.vn

Đăng nhận xét

0 Nhận xét