Banner top

Banner cột chính

Sống đẹp lòng Chúa

Cocktail Đen

Trần Dũng
(Vinh)
Giải Triển Vọng Viết Văn Đường Trường 2013

- Có lẽ con sẽ dừng lại.

Đan nói câu đó với bà Hoa buổi sáng thì buổi chiều đã có chuyện. Đầu tiên là ông anh trai định cư ở Nhật bắn tin gãy gọn: “Chú thật khéo biết đùa!”. Bà cô nghỉ một buổi làm, chạy xe máy từ thành phố về, nghiêm giọng: “Cháu lớn rồi. Sống biết điều một chút!”. Còn cái Ly, cô em gái đang học trung học thì mếu máo: “Nhà mình rồi đến loạn mất thôi!”. Bà Hoa đóng cửa phòng, bỏ ăn, cả ngày chỉ thều thào duy nhất một câu: “Mày giết tao đi còn hơn! Rồi làng trên xóm dưới đều biết chuyện, từ nay tao sống không bằng chết”.

Chuyến xe khách đầu tiên rời thị trấn Dạ Cát lúc trời vừa hửng sáng. Đan ngồi vắt vẻo trên băng ghế cuối, mặt ngó ra phía khung kính, ngắm dòng người, cảnh vật qua ô cửa nhỏ. Đời ở đấy cứ thế lướt đi, nhanh chậm, lắc lư theo vòng lái của bác tài xế. Kể cũng là một cái thú. Xung quanh Đan, một vài vị khách bắt đầu ngủ gật gù. Vùi đầu vào giấc ngủ để xua đi cái mệt, hoặc đơn giản hơn là quên đi đoạn đường dài hàng tiếng đồng hồ, lúc tỉnh dậy cũng vừa kịp thời điểm xe vào bến, biết đâu cũng là một cái thú khác. Chuyến xe cũng như đời người, nhiều lúc ngắn ngủi lắm, chỉ bằng một cái chớp mắt thôi.

Chủng viện Bình Minh rốt cuộc chỉ có những bước đi dè dặt. Người ta cứ mãi loay hoay làm sao để cỗ xe kia không còn chạy với vận tốc ì ạch, nhưng cũng chẳng chấp nhận những vòng quay quá nóng vội. Thiếu đi một cái hồn, cải cách này nằm gối đầu lên canh tân khác. Nó khiến Đan mệt mỏi. Đó là cái cung cách mà anh vẫn thường ví von với những đứa trẻ bị tước mất quyền được ngã, bởi có một dàn barie được dựng nên quá dày đặc. Vô trùng! Đứa trẻ ấy cuối cùng cũng lớn lên, cũng mừng lễ hội trưởng thành như ở một vài nước nào đó mà Đan có dịp đọc trên báo, nhưng rất có thể là một-người-trưởng-thành-không-bao-giờ-biết-cách-tự-đứng-lên. Ở cái xứ này, phàm cái gì không kiểm soát được, hoặc giả không đủ khả năng kiểm soát, thì giải pháp đơn giản nhất là cấm. Đan phì cười trước sự lan truyền chóng mặt của hội chứng này. Nó gần như không có ranh giới, kể cả phạm vi tôn giáo.

Điện thoại báo có tin nhắn.

- Anh về quê à?

- Kỳ nghỉ cuối cùng của đời chủng sinh. Nhưng sao em biết?

- Anh quên là tôi vẫn dõi theo anh à! Có điều đó là một sự quan tâm trong vô vọng thôi. Thật ra chỉ muốn biết anh đã đi được bao xa? Thế thôi!

Hình ảnh Thư bất chợt tràn về, quét nhanh vào một vùng tối sáng của kí ức. Màu của thời gian. Kỷ niệm ngày xưa giờ loang lổ vết rong rêu. Đan quen Thư từ hồi hai đứa dọn tới ở chung khu ký túc xá của trường. Mất ba tháng để yêu nhau, ba năm quyện chặt vào nhau, và có lẽ cả một đời để xem nhau là người xa lạ. Ra trường, đùng một cái Đan xách ba lô vào chủng viện. Vài năm sau Thư cũng làm đám cưới. Chồng cô là con trai của một đại gia có tiếng ở đất Hải Dương. Chuyện tưởng chừng như đã kết thúc. Đan cũng đã phần nào nguôi quên. Nhưng Thư thì như con thú bị trọng thương, cứ mãi bám theo, cứ phải ám ảnh kẻ đã gây ra cho mình những vết đau rỉ máu. “Anh đi rất xa, đủ để nhận ra rằng tình yêu với em đã hết!” - Đan trả lời tin nhắn.

Xe qua cầu Bình Nguyên thì suýt tông phải chiếc xe máy tạt qua đường. “Mẹ cha mày! Đi đứng thế à?” - Bác tài vứt điếu thuốc hút dở qua cửa xe, thủng thẳng buông một câu chửi thề. Tiếng mấy vị khách ở dãy ghế đầu nhao nhao lên đồng cảm. Dân Việt ở đâu cũng thế, người ta bện chặt vào nhau, sẵn sàng nổi xung lên mỗi khi sự an toàn của số đông bị đe doạ, dù bằng cái cách chẳng lấy làm văn minh gì cho lắm. Chẳng thế mà sau sự cố ấy, hành khách trên xe dễ dàng mở lòng với nhau hơn. Tiếng cười nói chộn rộn hẳn lên. Những câu chuyện không đầu không cuối được đan dệt một cách tự nhiên, qua giọng kể mộc mạc nhưng lại có sức thấm đẫm hồn người. Chuyện thằng bé mù chữ bán báo dạo chạy khắp nơi rao tin về một tai nạn xây dựng, không hay biết rằng nạn nhân trong mẩu tin vừa rao là bố của mình. Chuyện bà vợ kia rủ ông chồng có chứng bệnh hoang tưởng đóng cửa phòng tự vẫn, kết quả là sau khi uống vào cơ man là thuốc an thần thì chỉ có người chồng chết. Người vợ bán hết nhà cửa, ruộng vườn trốn đi với người tình trẻ, sau khi đã chu đáo lo lắng hậu sự cho ông chồng xấu số. Hay như chuyện một nông dân ở Hải Phòng, dùng mìn tự chế với súng hoa cải để giữ đất giữ vườn trước sự cưỡng chế của các nhà chức việc địa phương, nhưng cuối cùng thì bất lực, chẳng thể bảo vệ cho mình và người thân trước bản án nhiều tranh cãi...

Những câu chuyện, mặt người, phận đời Đan đã đọc thấy, đã gặp và chạm phải ở đâu đó. Nhưng như thói quen thu mình lại, ngồi bên ô cửa trên mỗi chuyến đi, chúng đã lặng lẽ lướt qua. Vô cảm đã thành căn bệnh trầm kha, lây lan vào cả chủng viện - nơi chưa bao giờ, chưa một ai nghĩ rằng sẽ nhiễm bệnh và đáng ra không bao giờ được quyền nhiễm bệnh. Nụ cười Đan méo xệch đi. Đời luôn có những trớ trêu thú vị. Ở cái nơi chỉ gồm những cái tên xa lạ, lên chung một chuyến xe, ngồi với nhau chỉ một đoạn đường, hết hành trình thì kẻ ngược người xuôi, con người ta lại không mảy may e ngại trút hết những thứ tít tận sâu thẳm của tâm can. Đan đồ rằng cánh nhà văn lúc nào cũng ca cẩm không có cảm hứng mới, nếu chịu khó bỏ công đi xe khách vài ba bận thôi, thì cũng đã có khối cái để viết mà không cần phải nhọc nhằn đi vào những trại sáng tác, bám theo đề tài này đường hướng nọ. Đó là chưa kể khối cái để viết ở đây là những điều rất thật, rất đời. Mùi của nhân sinh bao giờ chả ngai ngái cay nồng.

- Và anh hạnh phúc chứ?

Tin nhắn của Thư kéo Đan ra khỏi mớ triết lý hỗn tạp này để ném vào một đám bòng bong khác. Hạnh phúc là thứ khó nắm bắt nhất trong thế giới hổ lốn này. Và nó chưa hẳn là một điều có thực, kiểu như ‘‘rừng mơ’’ trong tiểu thuyết “Tam quốc diễn nghĩa” bên Tàu. Nó cũng có thể là một thứ trang sức, đẹp và sặc sỡ. Nhưng người nghèo không mua nổi vì quá đắt đỏ, cũng không ăn được, còn người giàu thì săn đón đổi chác liên tục, miễn sao cho hợp mốt. Hạnh phúc là hai tiếng được nhân loại mơ ước nhất, và rất có thể cũng là vô nghĩa nhất. Đan và Thư đã từng đi tìm nó, người này hứa hẹn mang nó lại cho người kia, nhưng cái mà cả hai nhận được chỉ là một thứ khác, na ná như hạnh phúc chứ không phải là hạnh phúc. Đan không còn đủ sức cho cuộc kiếm tìm thứ trang sức xa xỉ kia, khi mà kí ức vẫn còn trơ ra đấy những vết thẹo. Kéo nhẹ móc khoá ba lô, Đan lấy ra chiếc áo chùng thâm cũ. Chín năm trời chứ chẳng ít, anh mặc nó hàng ngày, nhẹ và mỏng manh lắm, nhưng chất nặng những buồn vui, trắc trở. Đan cười, có lẽ đây là chiếc áo rộng nhất trên thế giới này mà con người có thể nghĩ ra được. Thì chẳng phải tấm áo ấy che được vô số cảm xúc giằng xé, bao bọc một cơ thể với quá nhiều tì vết, chất chứa kỳ vọng của biết bao người. Màu đen chẳng phải người ta đã nói là màu của bí ẩn hay sao?

- Em biết là chúng ta đã tìm được gì rồi mà. Anh chỉ ổn thôi.

- Thế anh vẫn đi tiếp chứ, một con đường không dành cho mình?

- Vẫn. Anh đang cố yêu nó!

- Rồi anh sẽ rời bỏ nó như cách anh đã từng buông tay với tôi. Rồi anh sẽ đi tìm một tình yêu khác. Đàn ông các anh là giống thích phũ phàng lắm mà!

Ngần ngừ một lúc rồi Đan cũng trở lại với các ký tự trên bàn phím.

- Không hẳn thế. Con đường này có một thứ ngôn ngữ riêng mà không phải ai cũng có thể đọc được.

- Cũng thế cả thôi. Linh mục bây giờ giống một loại cocktail hơn. Đẹp đấy. Hấp dẫn đấy. Nhưng chẳng còn nguyên chất...

Đan sững lại. Dòng chữ lạnh lùng ấy vừa làm một cú va đập ngoạn mục. Thư sắc sảo và táo bạo ngay cả trong những lúc cô chới với nhất. Ai đó đã nói, sắc đẹp tự nó đã là một thứ tài năng. Thư may mắn sở hữu cả hai báu vật trời cho ấy, thế mà chúng cũng không thể giúp cô có một cuộc sống tròn đầy. Đời Thư là sự chắp nối những đứt gãy này bằng những đứt gãy khác. Ngày Đan quyết định khép lại những hẹn hò, Thư không níu kéo nhưng chỉ cảnh báo anh: ‘‘Linh mục được nhận quá nhiều. Nhận thì phải cho. Nhưng chả ai có thể cho cả một đời. Ân điển luôn tiềm tàng những hình phạt vô biên. Có lẽ vì thế mà những người có cái đầu tỉnh táo hơn đã lựa chọn để không trở thành linh mục’’. Thư nói rất nhẹ chứ không gay gắt, nhưng Đan có cảm giác như mình vừa trải qua một cơn động đất có cường độ nhiều richter.

- Nhưng sống cho người khác cũng là một lẽ sống - Đan chau mày.

- Nếu không sống nổi cho mình thì lấy gì để sống cho người khác hả Đan? Nếu thứ cả tôi và anh tìm được không phải là hạnh phúc thì còn hi vọng mang nó lại cho ai? Cứ làm người hùng đi, nếu anh còn đủ sức!

Con đường dẫn đến một triền dốc nhỏ. Lắc lư. Những hàng cây ngái ngủ trong nắng mới. Tiếng cười nói lúc nãy cũng bặt dần. Câu chuyện dang dở của năm năm về trước lại hiện về như một thước phim âm bản...

- Tại cái Thư đúng không? Anh vẫn còn yêu nó? - Bà Hoa nhìn sâu vào mắt Đan.

- Bọn con đã chấm dứt. Thư cũng đã có gia đình riêng. Chỉ tại con không đủ tình yêu cho con đường này. Nó vốn không dành cho con, mẹ ạ!

- Bố anh và tôi ngày trước lấy nhau có phải vì yêu đương gì đâu. Thế mà vẫn ăn đời ở kiếp với nhau đấy thôi!

Đan xoắn xuýt mười ngón tay vào với nhau, khẽ khàng:

- Ơn gọi này huyền nhiệm lắm, không đơn giản là chuyện dựng vợ gã chồng đâu mẹ.

Chẳng thể dừng lại được nữa rồi, cả anh và mẹ. “Lại đây, tôi muốn cho anh xem thứ này!” - Bà Hoa đến trước chiếc tủ có đặt bức di ảnh, lấy ra từ ngăn kéo một chiếc hộp màu vàng: Là một tấm áo lễ.

- Bố con trước khi mất đã trao nó lại, dặn mẹ phải đưa tận tay cho con mặc trong ngày lễ thụ phong. Coi như đây là di nguyện của bố.

Đan bất động hồi lâu. Chiếc áo lễ lặng lẽ rơi xuống nền đá lạnh toát. Một sự tĩnh lặng bao trùm.

Đan đến ngồi ở bến sông, hướng cái nhìn lên khoảng thinh không vòi vọi rồi thư thả áp đôi tay xuống lòng đất. Gần chỗ anh ngồi, bạt ngàn loài hoa chưa kịp gọi tên. Hoang dại. Bên kia là quê anh, khói lam chiều nơi căn nhà nhỏ dâng lên một cách hồn hậu. Gió từ lòng sông thổi vào mát rượi. Bao năm rồi sông chẳng già đi, vẫn cứ chảy đời sông. Giá mà có thể chảy nhịp của sông, giá mà có thể học cách chảy của nước, Đan sẽ chậm nhẹ trôi qua những làng quê, bến xe, phố chợ, để cùng đám người khốn khổ kia kể cho nhau nghe câu chuyện về cuộc sống. Mà cuộc sống tăm tối ấy, Đan đồ rằng nó cũng có thể là một thánh đường lắm chứ. Cả thứ tạp âm nhức nhối kia nữa, anh sẽ thổn thức như đã từng thổn thức trước những bản thánh ca ngọt lành. Mấy hôm trước thôi, Đan đọc báo thấy nhà văn Nguyên Ngọc nói Tây Nguyên đang bị băm nát, đang chết đi cái hồn. Bất giác anh muốn đến Tây Nguyên, đơn giản chỉ để xem phận người ở đấy chới với thế nào, có bị băm nát như làng và rừng, như nắng và gió không?

Nắng cứ lui mãi về chiều, toả thứ màu sắc vàng vọt trên mảnh đất nhiều lầm lụi. Căn nhà nhỏ vốn yên ắng giờ rộn hẳn lên bởi sự xuất hiện của mấy vị khách. Bà Hoa chễm chệ trên chiếc ghế chính diện phòng khách, thư thả nhấp chén nước.

- Chỉ ít tháng nữa thôi là cháu Đan làm linh mục. Ông nhà tôi chẳng may vắn số, trước lúc mất dặn tôi phải lo cho cháu một cái lễ thật chu đáo. Còn phải báo công cho tổ tiên họ mạc.

Người đàn ông ngồi cạnh với tấm lưng to bè, nhả từng đợt khói đặc quánh từ điếu thuốc trên tay, xởi lởi:

- Tháng tới em tính làm một chuyến vào Nam, trước là thăm cánh bà con họ hàng trong đó, sau là thưa chuyện của cháu Đan. Phải báo trước để họ còn sắp xếp việc nhà, việc cơ quan nữa.

- Chú Tôn tính như thế là phải. Tôi cũng đã đặt vấn đề thuê hẳn một đầu bếp khách sạn ở Vũng Tàu lên thực đơn cho mấy ngày tiệc mừng. Việc hệ trọng, phải là đầu bếp chuyên nghiệp hẳn hoi, chứ chị Hoa nhờ người ở đây, nói thật tôi chẳng yên tâm lắm! - Tiếng một người đàn bà khác.

Ông trùm Văn trầm ngâm suốt từ nãy giờ cũng sốt sắng góp chuyện. Giọng ông nhấn nhá hào sảng, ra cái cung cách của một người đứng đầu họ đạo.

- Sa Nam này từ lúc lập họ đến nay mới có linh mục đầu tiên. Chúng tôi đã bàn với các bậc cao niên trong làng. Các cụ bảo ngày đó không chỉ là lễ tạ ơn của riêng nhà bà cụ Hoa mà còn là ngày hội lớn của Sa Nam. Sẽ có một cuộc đón rước tân chức từ bến sông về nhà thờ họ với trống hội, cờ xí rợp trời. Tôi đi nhiều, thấy các nơi họ tổ chức rình rang lắm. Tiếng là họ lẻ, họ nghèo nhưng phải cho cả xứ này biết cái tầm của Sa Nam không nhỏ một chút nào. Lát nữa thầy Đan về, tôi sẽ bàn kỹ hơn.

Câu chuyện cứ dày lên mãi. Bên này sông đã thấp thoáng lên đèn...

Đan như bị đóng đinh vào bến sông bên kia. Chỉ cách mấy thước sông thôi sao mà vời vợi thế. Có tiếng người gọi đò.

- Anh đi đây. Đến với một tình yêu mới. Chưa biết phải làm gì, nhưng cứ đi đã. Ít ra không phải mua một niềm vui ngắn bằng một nỗi buồn dài! - Đan bấm nút gửi tin nhắn, khoác ba lô đứng lên.

Bàng bạc trên sông những vạt sáng nhạt nhoà...

__________________________________________________________________________________

Đăng nhận xét

0 Nhận xét